Trong bối cảnh vi-rút Zika bùng phát, mặc dù tỉ lệ ảnh hưởng dị tật đến thai nhi không cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn không khỏi lo lắng có nên mang thai và làm thế nào để đảm bảo thai kỳ an toàn.
Vi-rút Zika tồn tại 6 tháng trong tinh dịch
Theo PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM, vi-rút Zika có trong máu người, tinh dịch tùy theo giới, đối tượng, thời điểm nhiễm bệnh và biểu hiện lâm sàng. Người bình thường sau khi phơi nhiễm, vi-rút tồn tại trong máu 14 ngày (đặc biệt trong 7 ngày đầu khởi phát là thời gian dễ nhiễm sang muỗi), trong nước tiểu là 30 ngày và trong tinh dịch đến 6 tháng.
Đặc biệt phụ nữ mang thai khi nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng, vi-rút tồn tại trong máu đến 53 ngày sau phơi nhiễm. Nếu có triệu chứng thì vi-rút có thể tồn tại đến 62 ngày sau khởi phát. Người nhiễm vi-rút Zika dù có hay không có triệu chứng đều có nguy cơ lây nhiễm cho muỗi và cho người khác.
Vi-rút tồn tại trong tinh dịch lên đến 6 tháng, lâu hơn so với máu, nước tiểu của người bệnh. Do đó kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika sau ít nhất 2 tháng đối với phụ nữ, 6 tháng đối với nam giới và khi cơ thể hết vi-rút, được tư vấn của cán bộ y tế mới nên quyết định việc mang thai.
Khoảng 60-80% người nhiễm vi-rút Zika không có biểu hiện bệnh. Khoảng 20% người nhiễm vi-rút Zika có biểu hiện bệnh sau khi bị nhiễm vi-rút từ 3 ngày đến 14 ngày. Bệnh thường nhẹ, điều trị ngoại trú với các biểu hiện thường gặp như phát ban, sốt (thời gian sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày), viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp.
Phân tích triệu chứng trên số bệnh nhân Zika tại khu vực phía Nam từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy 100% bệnh nhân có phát ban và sốt, 79% có đau cơ, 45% đau khớp, 27% có triệu chứng khác và 18% có viêm kết mạc. Tuy nhiên việc chẩn đoán nhiễm Zika không chỉ căn cứ trên biểu hiện lâm sàng mà còn căn cứ tình hình dịch tễ, kết quả xét nghiệm và đặc biệt thời gian phơi nhiễm.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ sẽ phát triển như thế nào?
Mặc dù tỉ lệ ảnh hưởng thai khi nhiễm Zika chỉ vào khoảng 1%-10%, theo các nghiên cứu trên thế giới và ảnh hưởng thường nặng nhất trong 12 tuần đầu vì hệ thần kinh bé mới được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều, nhưng phụ nữ mang thai vẫn cần được đặc biệt bảo vệ trong việc phòng chống nhiễm vi-rút Zika.
Trẻ sinh ra từ bà mẹ mang thai nhiễm zika có thể bị chứng zika bẩm sinh (ảnh minh họa: Internet)
Thai phụ cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh muỗi đốt theo hướng dẫn của ngành y tế. Nếu đang sống trong vùng dịch hoặc có chồng/bạn tình đi/đến/ở vùng dịch nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn trong suốt thời gian mang thai;
Khám thai định kỳ và đặc biệt phải đến ngay các phòng khám/bệnh viện chuyên khoa sản khi có dấu hiệu mắc bệnh để được khám, theo dõi. Bác sĩ sẽ tư vấn, đề xuất các giải pháp chăm sóc sức khỏe với thai phụ tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm vi-rút Zika, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng Zika bẩm sinh. Đây là một dạng khuyết tật về cấu trúc và chức năng gây tổn thương thứ cấp đến hệ thống thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên. Biểu hiện có thể phát hiện được trong thai kỳ là đầu nhỏ.
Ngoài ra còn một số biểu hiện của hội chứng này như các khuyết tật về nhận thức, giác quan và vận động, không phát hiện được trong thai kỳ. Kể cả kích thước não bình thường trong thai kỳ, khi sinh ra não không phát triển, cũng gọi là đầu nhỏ.
Các di chứng thần kinh ở trẻ bị tật đầu nhỏ có thể bao gồm co giật, bất thường nghe hoặc nhìn, chậm phát triển về trí tuệ và vận động (như chậm lẫy, đứng, đi, giảm khả năng học) và ăn uống khó khăn (như nuốt khó).
Hiện nay chưa có vắc xin đặc trị cho vi-rút Zika, vì thế, biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là diệt muỗi, loăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi, giúp giảm số mắc Zika, cũng như sốt xuất huyết trong cộng đồng và làm giảm cơ hội lây vi-rút Zika sang phụ nữ mang thai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!