“Phượt thủ” đi xe đạp không phanh từ Sơn La xuống Hà Nội: Cháu đã biết lỗi và sẽ không có lần thứ 2

Nuôi dạy con - 04/29/2024

Sau những việc làm khiến nhiều người phải “nổi da gà” vì hành động của mình, qua trao đổi với chúng tôi cậu bé Vì Quyết Chiến, 13 tuổi ở Chiềng Yên, Vân Hồ Sơn La cho biết, ngay sau khi gặp bác tài xế và nghe bác nói cháu thấy mình liều, cháu đã xin lỗi ông bà và hứa sẽ không bao giờ có chuyện như thế nữa.

'Giờ cháu mới thấy mình liều'

Sau khi được bố đưa về quê nhà để tiếp tục việc học hành, trao đổi với chúng tôi, Vì Quyết Chiến vẫn còn chút nhút nhát nhưng cậu bé cũng bộc bệch “động lực” khiến mình liều đạp xe xuống Hà Nội là vì rất nhớ em và bố mẹ.

“Cháu đi học về nghe được ông bà cháu nói chuyện là bố cháu điện về nói tình hình em cháu rất xấu, có khi không qua khỏi. Lúc đó, cháu chỉ nghĩ mình phải xuống thăm em”, Chiến nói.

Nghĩ sao làm vậy, cháu lấy chiếc xe đạp mình vẫn đi học hàng ngày ra và quyết định đạp xe xuống Hà Nội. Từ nhà Chiến ra đường quốc lộ 6 mất khoảng 6km. Dù chưa biết Hà Nội ở đâu nhưng nhìn biển chỉ dẫn hai bên đường có biển nên cậu cứ thế phóng xe đi. Xe đi xe qua các đèo, các cung đường uốn quanh co, các khúc cua cậu vẫn đạp xe. Có lúc thấy mệt nhưng nghĩ có thể gặp em và bố mẹ là cháu lại đạp.

“Xe không có phanh, khi đổ đèo, cháu đỡ mệt hơn nhưng cũng sợ xe lao xuống khe nước nên cháu lấy chân đạp vào bánh xe. Lên dốc, xuống dốc cháu cứ đạp và nghĩ sắp tới Hà Nội” – Chiến nhớ lại.”

“Phượt thủ” đi xe đạp không phanh từ Sơn La xuống Hà Nội: Cháu đã biết lỗi và sẽ không có lần thứ 2

Anh em Chiến cùng nhau học bài

Chiến kể, lúc gặp xe khách cháu vừa mệt, vừa khát và nghĩ sẽ nằm ở chỗ nào đó khi hết mệt sẽ đạp xe đi tiếp. Nhưng mệt quá, cháu nhìn thấy chiếc xe khách ghi Sơn La – Mỹ Đình – Hà Nội cháu nghĩ chắc chắn là xe đi Hà Nội nên đã vẫy xe để hi vọng được đi nhờ.

Lúc đó cháu vẫn chưa biết sợ, khi gặp mọi người nghe mọi người nói đến bắt cóc và đường đi nguy hiểm lắm cháu mới thấy sợ. Trước đây, cháu không hề nghĩ đến việc sẽ bị bắt cóc mà chỉ nghĩ làm thế nào để xuống Hà Nội thăm em và bố mẹ.

Khi xuống bến xe Mỹ Đình, Chiến được bố đón ở đó và đưa về bệnh viện gặp em một lúc. Được gặp em thì rất vui nhưng nhìn thấy em gầy gò ốm yếu thì thương em nhưng không làm gì được. Sau khi thăm em cậu bé được bố đưa về quê để tiếp tục sự nghiệp học tập.

Chiến cho biết: “khi về đến quê cháu bị bà nội mắng vì tự ý bỏ nhà đi không cho ai biết, cháu đã xin lỗi bà nội và hứa từ bây giờ cháu không bao giờ làm thế nữa.”

Bố của “phượt thủ” đổ đèo với xe đạp không phanh vẫn còn chưa hết run

Trao đổi với phóng viên, anh Nam cho biết anh vẫn chưa hết run khi nghĩ lại câu chuyện con trai đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em. Và, ngay sau khi đưa con về nhà anh đã phải quay lại Hà Nội để cùng vợ chăm sóc cho cháu bé đang có những diễn biến bệnh tật không tốt.

Anh Nam kể, vợ chồng anh sinh bé thứ ba nhưng cháu sinh non, ốm yếu phải nằm viện liền 2 tháng dưới Hà Nội. Nên anh chị phải thay nhau chăm sóc cháu bé dưới Hà Nội, mọi việc nhà đều nhờ ông bà nội của các cháu. Khi có việc gì thì anh gọi điện thông báo tình hình và hỏi thăm hai anh em Chiến ở nhà.

“Buổi tối khi hai vợ chồng đang ở viện thì nhận được cuộc điện thoại của nhà xe hỏi có phải bố của cháu Chiến, 13 tuổi ở Chiềng Yên, Vân Hồ không, tôi và vợ đã hoảng hốt tưởng có chuyện gì với con, thì đầu dây bên kia lại nói cháu đạp xe từ Vân Hồ xuống Hà Nội thì hai vợ chồng chân tay bủn rủn tưởng con gặp tai nạn.

Nhưng được các bác thông báo cháu khỏe mạnh và đang được nhà xe đưa về bến Mỹ Đình, nếu gia đình không vào đón được thì sẽ nhờ người đưa về tận nơi. Tôi lập bập vừa mừng vừa run nói cảm ơn và bảo với nhà xe mình sẽ đích thân ra bến xe Mỹ Đình đón con”, anh Nam kể.

“Phượt thủ” đi xe đạp không phanh từ Sơn La xuống Hà Nội: Cháu đã biết lỗi và sẽ không có lần thứ 2

Bố con anh Nam tại nhà ở xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La

Anh Nam cũng cho biết, ngay từ khi sinh ra Chiến đã còi cọc, lại hay ốm yếu nên anh chị cũng thương con và lo lắng cho con, nhưng cả hai vợ chồng còn hốt hoảng và lo sợ hơn khi biết con một mình đạp xe từ Vân Hồ xuống Hà Nội.

Anh Nam cũng không thể tưởng tưởng được là con anh có thể đạp chiếc xe không phanh ấy vượt được qua đèo Thung Khe vừa cao, vừa dốc lại sương mù.

Anh Nam cũng tâm sự, có lẽ ý định đạp xe xuống Hà Nội thăm em của Chiến đã có từ cách đây khoảng 1 tuần khi cháu nghe điện thoại và bảo bố mua cho cái xe đạp mới. Nhưng nhà còn đang khó khăn vì em phải nằm viện dài ngày nên con không đòi mua nữa.

“Vợ chồng tôi quá may mắn vì con đã được gặp người tốt thương và cho xuống tận hà Nội, nếu chẳng may con có làm sao thì vợ chồng tôi ân hận cả đời” anh Nam bộc bệch.

Một điều nữa cũng làm cho anh Nam suýt “đứng tim” khi may mắn là Chiến không rủ em gái đang học lớp 1 đi cùng, vì khi đến Hà Nội gọi điện thoại về nhà em gái Chiến có nói vọng vào là “sao anh xuống Hà Nội không cho em đi với”.

Hiện, Sáng 27/3 Chiến đã đi học trở lại và biết được câu chuyện của Chiến có nhiều người gọi điện đến chia sẻ và mong muốn tặng em chiếc xe đạp.

Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Trọng An: Điều tối quan trọng cần phải giáo dục cho các em kỹ năng sống chứ không phải là “đề cao” những hành động liều lĩnh, mất an toàn của trẻ.

Theo ông An ý nghĩ của cháu thì tốt nhưng hành động của cháu thì nguy hiểm và liều lĩnh. Qua hành động của cháu cho thấy nhiều trẻ còn thiếu kỹ năng sống. Chiến không hề biết khi rời nhà phải xin phép gia đình mình và cháu cũng không biết rõ được hành động của mình là nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn trên đường, có thể bị bắt cóc…

Vì thế, theo ông An, với những vụ việc như thế này, việc thông tin cũng không nên chỉ khen ngợi tình yêu thương hay sự hi sinh nhưng cũng cần phân tích, hướng dẫn thêm các em về kỹ năng sống, về cách ứng phó hợp lý, hợp tình. Còn nếu chỉ khen ngợi, biểu dương, sẽ không khác gì cổ súy cho hành động dại dột đó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!