'Có thực mới vực được đạo', việc ăn uống là điều quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe cũng như đảm bảo cuộc sống. Từ xa xưa, người Việt đã rất chú trọng đến quan niệm ngũ hành tương sinh tương khắc trong mọi mặt đời sống, điều này được thể hiện rõ ràng trong nghệ thuật ẩm thực cũng như mâm cơm thường ngày và càng được chú trọng trong dịp đầu năm mới.
Áp dụng triết lý ngũ hành trong ẩm thực không chỉ có ý nghĩa đem lại may mắn, thịnh vượng mà còn giúp đảm bảo sức khỏe và sự hài hòa cả về thể chất, tinh thần với môi trường tự nhiên.
1. Các yếu tố cân bằng theo quan niệm ngũ hành trong ẩm thực được thể hiện ở ba khía cạnh sau:
Đảm bảo hài hòa âm dương của món ăn
Mặc dù không quá cầu kỳ nhưng quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của người Việt, hình thành nên các món ăn chứa đựng triết lý ngũ hành. Thông thường, nếu chế biến các thực phẩm lạnh, có tính hàn, người Việt Nam thường dùng các loại gia vị có tính nóng ấm để bổ sung như dùng gừng, tỏi, tiêu, ớt được cho là có tính cay nóng để tẩm ướp cá hay các món ăn lạnh.
Cách làm này cũng được cho là tuân thủ quy luật âm dương hài hòa giữa những loại thực phẩm nóng – lạnh, thủy – hỏa, không chỉ giúp tăng hương vị của món ăn, kích thích vị giác mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Hài hòa âm dương trong cơ thể
Theo quan niệm Đông y, mọi bệnh tật sinh ra đều là do sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể và đặc biệt là do dùng thức ăn không đúng. Vì vậy để trị bệnh và bồi bổ cơ thể, nhất thiết cần tuân thủ nghiêm ngặt quy luật âm dương giữa cơ thể và các loại thực phẩm. Nếu cơ thể tính hàn, lạnh thì nên sử dụng đồ ăn tính dương, nóng, ngược lại, nếu cơ thể tính nóng, cần ăn những đồ ăn mát, giải nhiệt mang tính âm.
Bảo đảm sự cân bằng âm dương giữa con người và môi trường
Người Việt có tập quán sử dụng thực phẩm theo mùa và theo từng vùng khí hậu. Điều này thể hiện ngay trong những bữa ăn thường ngày cũng như cách gieo trồng mùa vụ trên cả nước.
Mùa nào thức nấy, tùy theo điều kiện thời tiết và khí hậu mà người Việt thường dùng những thực phẩm phù hợp để tăng vị giác và đảm bảo sức khỏe. Mùa hè thường dùng các loại thực phẩm tính hàn, vị chua, có nước, ngược lại, mùa đông thường dùng các món ăn khô, nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay, nóng.
Đặc biệt trong việc chế biến thực phẩm, người Việt thường sử dụng tối đa các loại gia vị để làm nên những món ăn với nhiều màu sắc và hương vị nhất tượng trưng cho ngũ hành như: đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, nước và ngũ vị cay, mặn, ngọt, đắng, chua hay ngũ sắc bao gồm trắng, đen, vàng, xanh, đỏ...
2. Cách phân loại thức ăn theo ngũ hành
Món ăn thuộc Kim
Những thực phẩm có màu trắng, vị cay, các loại thảo mộc và gia vị được xếp vào nhóm thực phẩm thuộc hành Kim tốt cho những người có tính chậm chạp, người thể hàn.
Món ăn thuộc Mộc
Những loại thực phẩm được xếp vào hành Mộc bao gồm cà chua, các loại rau màu xanh lá, thịt gà, gan hay các loại trái cây đặc biệt là trái cây họ cam quýt, thực phẩm có vị chua… Những thực phẩm này tốt cho những người nóng tính, thường xuyên thay đổi thất thường.
Món ăn thuộc Thủy
Tất cả những loại thực phẩm tối màu, có màu tím đen hoặc xanh đậm, nước hay những loại động vật sống dưới nước, có thịt mềm như thịt lợn, bò, trứng, đậu, động vật có vỏ đều được xếp vào hành thủy. Những thực phẩm này có tác dụng tốt với những người gầy, khô và thần kinh suy nhược.
Món ăn thuộc hành Hỏa
Thực phẩm thuộc hành Hỏa rất dễ nhận diện bởi màu sắc nổi bật như đỏ, vàng, thực phẩm khô hay những loại có vị cay, nóng. Thực phẩm này phù hợp với những người thừa cân, béo phì, tính cách hung hăng, hay nóng giận.
Món ăn thuộc Thổ
Thực phẩm có vị ngọt, có tinh bột hay có màu vàng, cam đều thuộc hành Thổ và được cho là cực tốt cho những người có thần kinh yếu hay mất bình tĩnh.
Hồng Anh
(Ảnh minh họa: Internet)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!