Quan niệm sai lầm về trứng ngỗng tốt cho bà bầu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nhiều người lầm tưởng trứng ngỗng rất có lợi cho bà bầu nhưng thực tế nếu ăn trứng gà sẽ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.

Giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng không bằng trứng gà

Theo thông tin trên website Viện Dinh Dưỡng, trứng ngỗng là một loại trứng gia cầm, trọng lượng một quả trứng ngỗng khoảng 300 gam, nặng gấp 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt. Tuy nhiên về mặt giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng không thể so sánh với trứng gà, cũng như thịt ngỗng so với thịt gà. Giá trị dinh dưỡng trong 100 gam trứng ngỗng có khoảng: 13,0 gam protein, 14,2 gam lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg calxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…

So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700 mcg trong trứng gà), đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai nhưng hàm lượng vi chất này ở trứng ngỗng lại rất ít. Vì vậy, giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng kém xa trứng gà về tất cả mọi mặt. Do vậy các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà sẽ tốt hơn nhiều so với trứng ngỗng.

Theo quan niệm dân gian, phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng sẽ giúp thai nhi phát triển tốt đặc biệt là phát triển trí não, giúp con sau này sinh ra được thông minh, lanh lợi. Nhưng hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh. Nhưng ngược lại ăn quá nhiều trứng ngỗng sẽ không tốt cho sức khỏe.

Quan niệm sai lầm về trứng ngỗng tốt cho bà bầu

Trứng ngỗng không phải cứ to hơn là giàu dinh dưỡng hơn trứng gà (Ảnh: Internet)

Nhiều người phụ nữ quan niệm rằng khi có thai ăn nhiều trứng ngỗng thì thai phát triển khỏe mạnh, thông minh vì nghĩ nó to như… ngỗng. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau - không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng, vì vậy cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cho nhau.

Trẻ em thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng của người mẹ, bổ sung viên sắt/ acid folíc trong thời gian mang thai, yếu tố di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này... chứ không phụ thuộc vào ăn nhiều trứng ngỗng hay không.

Không nên lạm dụng trứng ngỗng

BS Nguyễn Văn Tiến (thuộc Viện Dinh dưỡng) chia sẻ: Trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp.

Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho rằng để có trái tim khỏe mạnh, một người không nên bổ sung quá 300 mg cholesterol mỗi ngày. Đặcbiệt, những người đang sử dụng loại thuốc hạ cholesterol trong máu thì không nên thu nạp quá 200 mg cholesterol. Vì vậy, nếu thường xuyên ăn trứng ngỗng, bạn sẽvô tình 'rước họa' cho sức khỏe của chính mình.

Các tác hại do ăn nhiều trứng ngỗng dễ nhận thấy ngay là đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi. Những người mắc chứng máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, đang trong giai đoạn ăn kiêng... nên hạn chế ăn loại trứng này. Phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng nếu ăn nhiều sẽ cảm thấy đầy bụng không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy với phụ nữ mang thai không rất thiết cứ phải ăn trứng ngỗng mà thay vào đó chúng ta bồi bổ bằng trứng gà cùng với chế độ ăn hàng ngày hợp lý cũng đã cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cho thai phụ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!