Trong xã hội hiện đại, con người sống và làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều yếu tố gây nên tình trạng stress. Theo các nhà khoa học, stress có thể dẫn tới thay đổi nồng độ hoóc-môn trong cơ thể, bao gồm Glucocorticoid, athecolamines, hoóc-môn phát triển và prolactin. Những biến đổi đó là quá trình bảo vệ của cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng stress kéo dài có thể nên những rối loạn bệnh lý do biến đổi nồng độ của các hoóc-môn bên trong cơ thể.
Khái niệm stress được hiểu là tình trạng rối loạn trạng thái cân bằng giữa cơ thể sống với môi trường. Phản ứng stress từ xa xưa có nguồn gốc từ sự bảo vệ cơ thể khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm (như đối mặt với thú dữ, kẻ thù trong cuộc sống sinh tồn…). Stress làm tăng cường huy động năng lượng dự trữ đến các cơ, tăng cường nhịp tim, tăng huyết áp, tăng nhịp thở … Ngày nay trong xã hội hiện đại, có rất nhiều yếu tố stress khác nhau như áp lực công việc, áp lực học tập, áp lực kinh tế, áp lực trong mẫu thuẫn gia đình và nhiều gánh nặng tâm sinh lý khác tác động đến đời sống con người.
Khi cơ thể bị stress sẽ kích hoạt, hệ thống hoóc-môn của cơ thể theo trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận và sinh ra các đáp ứng khác nhau. Kích hoạt trục tuyến yên –tuyến thượng thận là kích hoạt chiếm ưu thế đối với đáp ứng stress. Khi tuyến yên bị kích thích sẽ giải phóng CRH (Cortico releasing hoóc-môn) và kích thích thùy trước tuyến yên giải phóng hoóc-môn ACTH (Adeno Cortico Trophi Hoóc-môn), hoóc-môn này được tuyến yên tiết ra để ‘chỉ huy’ tuyến thượng thận tiết ra các hoóc-môn chống lại tình trạng stress của cơ thể. Khi lượng ACTH tăng lên, tuyến thượng thận sẽ tiết ra hai hoạt chất cơ bản tham gia vào quá trình chống lại stress là Adrenaline và Cortison.
Adrenaline có tác dụng làm tăng nhịp tim, co mạch, tăng huyết áp và thường có vai trò rõ rệt trong những stress cấp tính, điều này biểu hiện rõ ràng nhất trong những cơn cáu giận của con người. Phản ứng này có tính chất tự vệ tuy nhiên nếu phản ứng mạnh xảy ra trên cơ địa của những người có bệnh tim mạch, bệnh huyết áp có thể gây ra những hiệu ứng ngược như nhồi máu cơ tim, hay đột quỵ.
Cortisol hay còn gọi là Corticoid, là một hoóc-môn có rất nhiều vai trò trong cơ thể, bản thân Cortison có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, bên cạnh đó Cortisol cũng là tăng lượng đường trong máu,tăng chuyển hóa cơ bản, tăng tiết dịch vị dạ dày… Do vậy khi cơ thể bị stress kéo dài, tình trạng mạn tính có thể dẫn tới những phản ứng bất lợi như xuất hiện đau dạ dày, tăng đường huyết, béo phì…
Mặt khác, khi hàm lượng Cortisol trong cơ thể tăng cao sẽ ‘feedback’ ngược trở lại và dẫn đến làm giảm tiết ACTH. Khi suy giảm ACTH sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng của tuyến thượng thận, ở nữ giới giảm chức năng tuyến thượng thận gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Nghiên cứu của Munoz-Hoyos A và Cộng sự năm 2010 trên nữ giới bị tình trạng stress người ta thấy rằng có 9% bị mất kinh và 33% bị chứng rối loạn kinh nguyệt. Nghiên cứu trên những nam giới bị stress, người ta nhận thấy có sự giảm số lượng tinh trùng và giảm chất lượng tinh trùng (giảm tính di động, biến đổi hình thái của tinh trùng), rối loạn cương dương , rối loạn xuất tinh sớm…
Stress về tinh thần có thể dẫn tới những rối loạn mạn tính của hệ thống thần kinh nội tiết, bên cạnh tình trạng suy giảm chức năng của tuyến thượng thận, thì tuyến giáp trạng cũng làm một tuyến nội tiết thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng stress cấp tính và mạn tính. Tuyến giáp có vai trò trong tham gia điều hòa chuyển hóa cơ bản của cơ thể và chức năng điều hòa canxi trong máu. Những người chịu tình trạng stress mạn tính có thể dẫn tới tình trạng nhược năng tuyến giáp, biểu hiện như kém linh hoạt, chậm phát triển thể chất và trí tuệ, rối loạn giấc ngủ, suy giảm chức năng của cơ quan sinh dục…
Nhìn chung, stress tác động bất lợi đến sức khỏe, gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Kiểm soát tình trạng stress là một vấn đề không dễ trong cuộc sống hiện đại. Để hạn chế tình trạng stress chúng ta cần tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh cho phù hợp. Tăng cường tham gia các hoạt động thể thao, kết hợp giữa làm việc với các hoạt động thư giãn, giải trí, điều hòa các mối quan hệ trong gia đình cũng như quan hệ công tác, quan hệ xã hội để có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất./.
ThS.BS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học Dự phòng Quân đội
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!