Thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại ký sinh trùng trên da người phát triển. Chúng gây khó chịu, ngứa ngáy, thậm chí gây tổn thương da, tạo điều kiện cho các mầm bệnh tấn công cơ thể.
Bọ chét
Bọ chét chỉ các loài ký sinh trùng không cánh có tên Siphonaptera. Chúng sống ký sinh trên vật chủ, hút máu và sinh sôi. Tuỳ vào điều kiện môi trường, vòng đời của bọ chét 20 - 35 ngày. Điều kiện nóng ẩm của Việt Nam rất thích hợp cho ký sinh trùng này phát triển. Nhất là vào mùa nồm, nhiệt độ dao động 21 - 35oC, độ ẩm lớn.
Cần phải vệ sinh chó mèo sạch sẽ để tránh bị bọ chét tấn công
Bọ chét thường gặp ở vật nuôi chó, mèo. Tuy nhiên, nhà không nuôi thú vẫn có nguy cơ xuất hiện loài này. Đặc biệt với nhà mới, những ngôi nhà không được dọn dẹp trong thời gian dài. Chúng ẩn nấp trong thảm, đệm… tấn công vật chủ khi thích hợp. Ở giai đoạn trưởng thành, chúng có thể sống ký sinh trên da người.
Bọ chét đốt người, hút máu gây ra di chứng sẩn huyết. Các sẩn cao hơn mặt da, đỉnh chóp có mụn nước nhỏ, gây ngứa. Một số trường hợp còn gây viêm, sưng đỏ một vùng, đặc biệt với người có sức đề kháng yếu.
Thêm vào đó, bọ chét còn là vật trung gian để truyền bệnh cho cơ thể người như giun sán, sốt…
Chấy
Chấy 'làm tổ' trên da đầu
Chấy là ký sinh trùng hút máu, sống trên da đầu người. Vòng đời thường trong 2 tuần. Trứng chấy màu trắng, dính chặt vào tóc, lông. Chấy trưởng thành khi ăn no có thể dài 4,5mm. Môi trường nóng ẩm hiện nay là điều kiện thích hợp cho chấy sinh sản và phát triển. Chấy dễ lây từ người sang người khi tiếp xúc, ngủ cùng nhau.
Chấy hút máu nhiều lần trong ngày, khiến vật chủ ngứa ngáy, khó chịu. Với số lượng lớn, chúng làm tổn thương da đầu, gây viêm nhiễm. Ngoài ra, chúng có thể truyền một số bệnh sốt hồi quy, sốt phát ban… cho con người.
Rận mu
Rận mu (rận càng cua, rận bẹn) là côn trùng hút máu, sống ký sinh trên cơ thể người ở vùng lông mu, lông nách, tóc, kể cả lông mi. Chúng có kích thước khoảng 1,5 - 2mm, màu vàng hung. Khả năng sinh sản của rận mu rất lớn, mỗi ngày có thể đẻ 40 đến 50 trứng, nhất là với điều kiện nóng ẩm.
Rận thường nằm sâu dưới lỗ chân lông, chỉ thò đầu ra ngoài. Thêm vào đó, chân chúng có móng vuốt cong, giúp chúng bám chắc vào phần da nên rất khó phát hiện và bắt chúng. Rận dễ lây lan khi mặc chung quần lót, quan hệ tình dục… với người có bệnh.
Rận mu rất khó phát hiện hiện và tiêu diệt
Rận mu hút máu gây ngứa, cơn ngứa trở nên dữ dội khi số lượng cá thể đông đảo. Chỗ hút máu để lại mẩn đỏ, đôi lúc gây sưng, tấy, đau nhức.
Các bác sỹ cho biết, hiện nay các trường hợp nhiễm rận mu không nhiều như trước, một phần do con người đã biết giữ vệ sinh cá nhân hơn.
Con ghẻ
Ghé cái (tên khoa học Sarcoptes Scabiet) là ký sinh trùng sống trên da. Khi trưởng thành, chúng có kích thước khoảng 1,4 mm, màu trắng đục. Sau khi xâm nhập vào da người, ghẻ cái đào hang (mụn nước nhỏ) và nằm yên trong đó.
Đến đêm, chúng chui ra đẻ trứng trên da. Những mụn nước thường xuất hiện sau khi nhiễm ghẻ khoảng 5 - 7 ngày. Vùng nhiễm ghẻ thường là kẽ ngón tay, chân, vùng da non, nách… Ghẻ dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung vật dụng cá nhân.
Ghẻ làm da bị ngứa, mẩn đỏ và rất dễ bị viêm nhiễm
Nhiễm ghẻ khiến da sưng hồng, chỗ mụn rỉ nước, gây khó chịu, ngứa ngáy, nhất là vào ban đêm. Về lâu dài, các rảnh ghẻ sẽ xuất hiện, hơi cộm, dài vài mm. Đôi lúc khiến da nổi cục cứng, bị 'chàm hoá'. Nhiễm ghẻ nặng có thể gây viêm nhiễm, tổn thương nội tạng.
Để phòng ký sinh trùng gây bệnh, bạn cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh đồ đạc, chỗ ở, nhất là những nơi nghi có ký sinh trùng. Khi có bệnh cần khám bác sỹ để phương pháp điều trị đúng đắn.
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!