Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa khá phổ biến. Đối với người trưởng thành, bệnh tương đối ít nghiêm trọng khi họ có thể tự uống bù nước và điện giải. Tuy nhiên, khi tiêu chảy xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu người lớn không cho trẻ uống thêm nước hoặc trẻ không thể uống (do ói, hôn mê). Biện pháp điều trị bệnh quan trọng là bù nước, bù điện giải tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết cách chăm con đúng. Hy vọng rằng những thông tin mà Lily & WeCare cung cấp dưới đây sẽ giúp cho các mẹ tránh được những sai lầm khi chăm con bị tiêu chảy.
Tiêu chảy là bệnh gì?
Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài dạng lỏng khó chịu (diễn ra trong vòng từ 1 đến 2 ngày) – thường gây ra do nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn, virus hoặc kí sinh trùng. Các bệnh nhiễm trùng dạ dày phổ biến bao gồm các bệnh do vi khuẩn gây ra như E.Coli, một số loạibệnh tiêu chảy do virus gây ra như rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Tiêu chảy có thể gây mất một lượng đáng kể của nước và muối.
Tất cả các dạng tiêu chảy này rất dễ lây. Bệnh tiêu chảy có thể lây lan qua tay bẩn, thức ăn, nước nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân.
Bất cứ người nào cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần một chế độ điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều hoặc kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ em dễ bị tử vong do tiêu chảy nhiều hơn người lớn vì trẻ em bị mất nước rất nhanh.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu chảy là:
- Đi phân lỏng thường xuyên
- Co thắt dạ dày
- Mất nước
- Rối loạn điện giải
- Chán ăn
- Nôn mửa
- Sốt
- Buồn nôn
- Sút cân
- Phân có máu
Trẻ cũng có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập ở trên. Bệnh này thường kéo dài 3-7 ngày. Thông thường trẻ sẽ nôn trước, đầy hơi, sau đó 1-2 ngày thì bắt đầu tiêu chảy. Vì thế nếu thấy bé lâu không khỏi cha mẹ cũng không quá lo lắng. Điều quan trọng là luôn luôn để ý đến trẻ, nếu bé không ăn uống được gì, mệt mỏi... thì nên đưa trẻ đến bệnh viện truyền dịch kịp thời. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh tiêu chảyở trẻ, các mẹ hãy tham khảo ý kiến trực tiếp của bác sĩ. Bởi cơ địa của mỗi trẻ là khác nhau nên sẽ có những triệu chứng rất khác nhau.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng bệnh lý do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia ra làm hai nguyên nhân chủ yếu:
- Tiêu chảy do nhiễm khuẩn gây ra bởi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ thực phẩm, đồ uống bị nhiễm bẩn... hoặc một số loại virus như virus Rota... Ngoài ra tiêu chảy cũng có thể do một số loại ký sinh trùng đường ruột xâm nhập và ký sinh ở hệ tiêu hóa... Nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả).
- Tiêu chảy do không nhiễm khuẩn gây ra ở một số người có cơ địa không thể tiêu hóa được một vài thành phần trong thức ăn; dị ứng thức ăn; bị tác dụng phụ của thuốc hoặc phản ứng của một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống acid dạ dày chứa chất magnesium.
Ngoài ra, các bệnh về đường ruột như bệnh viêm ruột, bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ở ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng; rối loạn chức năng co bóp ruột như hội chứng tăng nhu động ruột do kích thích; lượng dịch mật tăng lên trong ruột... cũng tạo điều kiện cho triệu chứng bệnh lý tiêu chảy xuất hiện.
Những sai lầm của mẹ khi chăm con bị tiêu chảy
Mùabệnh tiêu chảy thường bắt đầu vào mùa đông, cũng vì thế số trẻ mắc bệnh cũng tăng lên nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết chăm sóc con đúng cách. Dưới đây là những sai lầm mà nhiều mẹ thường hay mắc phải khi chăm bé bị tiêu chảy:
Uống quá nhiều nước lọc thay vì nước oresol
Nhiều người biết rằng khi trẻ bị tiêu chảy thì cần phải bù nước bằng oresol. Thế nhưng một số mẹ thấy con không thích uống, dù vẫn khát nước, thì liền cho con uống một ít nước lọc rồi uống oresol. Tuy nhiên điều này là không nên vì hậu quả là trẻ uống nước lọc quá nhiều, bụng chướng lên. Như thế rất nguy hiểm, vì làm vậy chỉ bù được nước mà không bù được điện giải, thiếu kali. Mặc dù theo phác đồ nói là không có nước gì thì uống nước lọc, nhưng tốt nhất vẫn nên uống osreol.
Pha nước oresol không đúng điều lượng
Với bệnh tiêu chảy do rotavirus thì điều quan trọng là bù nước bằng oresol. Tuy nhiên, dung dịch này chỉ phát huy hiệu quả nếu được pha đúng liều. Những lỗi này không phải hiếm gặp.
Nếu quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ngược lại nếu pha quá đặc, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn.
Kiêng khem quá mức
Nhiều bậc phụ huynh không cho trẻ uống sữa, chỉ cho ăn cháo trắng với muối, kiêng tất cả các loại thực phẩm khác vì sợ con bị tiêu chảy nặng hơn. Tuy nhiên như thế sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn vì ăn uống không đủ chất. Trong những lúc này, cha mẹ cần lựa chọn cho trẻ những thức ăn dễ tiêu như: chuối, ăn cháo với thịt nạc... Nếu trẻ thích uống sữa thì cha mẹ vẫn có thể cho bé uống bình thường hoặc chọn loại không có lactose.
Không cho trẻ ăn váng sữa, phô mai khi bị tiêu chảy. Một khi trẻ đang bị tiêu chảy mà ăn những loại thực phẩm trên thì sẽ càng đi ngoài nhiều hơn vì không tiêu được. Đặc biệt là sữa chua, nhiều người lớn nghĩ là ăn sữa chua sẽ giúp dễ tiêu, thế nhưng sữa chua đó là loại dành cho người lớn, hệ tiêu hóa đã tốt chứ trẻ em thì không được, ăn vào sẽ càng dễ bị tiêu chảy.
Uống thuốc kháng sinh
Hiện nay nhiều người cứ nghĩ kháng sinh là “thần dược” nên bệnh nào cũng có thể dùng, trong đó có tiêu chảy. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt với vi khuẩn, trong khi tiêu chảy mùa đông ở trẻ là do rotavirus, nên dù có uống bao nhiêu thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng. Không những thế lại càng làm cho trẻ mệt hơn.
Xử trí khi bị tiêu chảy
Hầu hết các trường hợp trẻ bị tiêu chảy đều được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi đó, những người trong gia đình, nhất là các mẹ lại giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà. Nếu biết chăm sóc trẻ đúng cách, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Đối với tiêu chảy nhẹ, không có dấu hiệu mất nước và các dấu hiệu nguy hiểm, việc điều trị thường chỉ là bồi hoàn lại đủ số dịch bị mất. Có thể chăm sóc, cho uống dung dịch Oresol, bảo đảm chế độ dinh dưỡng. Cần phải uống nhiều nước, hoặc uống các thức uống có chứa chất điện giải.
Những trường hợp bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước hoặc có bất kỳ một trong các dấu hiệu nguy hiểm như: tiêu chảy phân toàn nước với khối lượng nhiều, kéo dài trên 4 ngày, bị sốt cao trên 39 độ C; phân có máu, chất nhầy hoặc có màu đen; đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều... người nhà cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời; không nên chần chừ, coi thường vì có thể nguy hại đến sức khỏe, kể cả tính mạng của trẻ. Một vấn đề cũng cần chú ý là nếu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng bị tiêu chảy phải đưa đến ngay cơ sở y tế như là một điều bắt buộc để chủ động phòng tránh những nguy cơ trầm trọng xảy ra.
Lời khuyên phòng tránh
Đun sôi nước uống
Không cho trẻ uống nước được cho là không an toàn. Đun sôi một phút trước khi uống hoặc dùng để nấu nướng.
Vệ sinh tay chân sạch sẽ
Các bệnh nhiễm trùng dạ dày và tiêu chảy rất dễ lây lan – đặc biệt nếu tiếp xúc với phân – hãy đảm bảo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là cách giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và bệnh tật.
Uống đủ nước
Uống ngụm nhỏ và thường xuyên cả ngày giúp cơ thể luôn đủ nước. Hãy uống nước ép hoa quả tươi (không có tép) hoặc uống trà và mật ong, cũng như nước uống sạch.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Thực phẩm bị nhiễm bẩn có thể gây tiêu chảy. Vì thế hãy rửa sạch dụng cụ làm bếp, nấu chín thức ăn và rửa sạch rau củ và trái cây bằng nước sạch. Đồng thời, chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng...
Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.
Tiêm vắc-xin Rotavirus
Trẻ phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia, đặc biệt là tiêm phòng bệnh sởi, uống vắc-xin ngừa Rotavirus.
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa đưa ra sẽ giúp ích cho cha mẹ trong việc phòng tránh và chữa trị bệnh tiêu chảy cho trẻ, đặc biệt là những trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Hãy luôn chăm con đúng cách và giúp con bạn tránh xa với mầm bệnh!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!