Sai lầm khi sơ cứu khiến nạn nhân nguy kịch hơn

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Trong một số trường hợp bị thương nhưng được sơ cứu tại chỗ không đúng cách đẩy người bị nạn vào tình thế nguy hiểm.

Nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí gây tử vong. Hãy xem xét từng trường hợp thường gặp mà bạn có thể cần thực hiện sơ cứu trong thực tế.

Sơ cứu vết thương hở

Việc sử dụng các loại thuốc sát trùng ngay lên vết thương là một trong những sai lầm thường gặp nhất, không những không mang lại hiệu quả mà còn 'tiêu diệt' những tế bào lành của cơ thể. Cách tốt nhất để làm sạch vết thương là rửa nhẹ dưới vòi nước sạch, để cho dòng nước cuốn đi vi khuẩn, bụi bẩn ở miệng vết thương. Nếu vẫn tiếp tục bị chảy máu, bạn hãy lấy miếng băng gạc sạch và ấn lên vết thương cho tới khi máu ngừng chảy.

Xử lý vết thương ngoài da

Khi bị chảy máu cam

Mọi người hay có xu hướng ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam nhưng điều này hoàn toàn không giúp cầm máu. Việc cần thực hiện là giữ thẳng đầu để làm giảm áp lực máu ở các tĩnh mạch mũi, dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt cả hai lỗ mũi trong khoảng 15 phút và thở bằng miệng. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, hãy lặp lại thêm 15 phút nữa. Đa phần các trường hợp sẽ tự lành. Nhưng nếu sau 30 phút máu vẫn không ngừng chảy thì nên tới cơ sở y tế để được cấp cứu.

Sai lầm khi sơ cứu khiến nạn nhân nguy kịch hơn

Nếu bị một vết thương lớn chảy nhiều máu thì nên dùng bông gạc, vải sạch ấn lên và giữ chỗ chảy máu

Vết thương lớn cần phải cầm máu

Dùng băng gạc buộc chặt qua vết thương là một phương pháp cầm máu vẫn rất phổ biến, nhưng điều này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mô vĩnh viễn và thậm chí mất chi. Việc cần làm là sử dụng gạc vô trùng hoặc một miếng vải sạch, ấn đè lên vết thương và tiếp tục giữ chắc cho dù miếng băng thấm đẫm máu. Bạn có thể dùng thêm quần áo để ấn lên trên nếu cần thiết. Giữ cho tới khi máu ngừng chảy hoặc đến được cơ sở y tế.

     Những điều cần biết về cầm máu

Bị bỏng

Không được xử lý vết bỏng bằng cách bôi kem đánh răng, thuốc mỡ, hay bất cứ thứ gì tương tự như vậy. Cũng không được phủ khăn hay mền lên vết bỏng hở vì lông trên chúng sẽ bám vào bề mặt vết bỏng và gây nhiễm trùng. Đối với trường hợp bỏng nhẹ, hãy đặt chỗ bỏng dưới vòi nước lạnh để làm dịu cơn đau. Sau đó có thể bôi thuốc trị bỏng. Nếu nạn nhân bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, hay bị bỏng nặng phải đưa nạn nhân ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất.

Sai lầm khi sơ cứu khiến nạn nhân nguy kịch hơn

Sơ cứu rất quan trọng giúp nạn nhân giảm thiểu biến chứng nhưng cần phải làm đúng cách

     Chữa bỏng da khẩn cấp với nguyên liệu trong nhà

Bong gân

Không được dùng cao dán hay bôi dầu nóng vì sẽ làm nặng hơn tình trạng xuất huyết dưới da. Nên dùng đá lạnh chườm vào chỗ bị bong gân hay bầm tím. Trong trường hợp nạn nhân cảm thấy quá đau thì cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất vì có thể cơn đau đó do chấn thương gãy xương gây ra.

Xử lý bong gân đúng cách

Đưa người bị thương đi cấp cứu

Khi có sự cố, việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu là cần thiết nhưng đưa họ vào bệnh viện gần nhất chưa chắc đã là điều tốt nhất. Nếu tổng đài hoặc nhân viên cứu thương đề nghị nên đến một bệnh viện chuyên khoa khác xa hơn bệnh viện gần nhất, hãy làm theo lời khuyên của họ. Dù mất nhiều thời gian hơn nhưng người bị nạn có thể nhận được những điều mà cơ sở gần hơn không làm được, nhiều trường hợp sự khác biệt này sẽ quyết định giữa sự sống và cái chết.

Cấp cứu khi người bị nạn ngừng tim, ngừng thở

Khi gặp một nạn nhân đột nhiên ngã quỵ trước mặt bạn, hãy kiểm tra mạch ở cổ của họ. Nếu không thấy mạch, bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức (đồng thời nhờ một người khác gọi cấp cứu). Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi cần ép tim 100 lần/phút. Trẻ dưới 1 tuổi, ép tim hơn 100 lần/phút. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim tới 120 lần/phút. Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở cần phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần, với trẻ sơ sinh 3 lần ép tim thì thổi ngạt 1 lần.

Sai lầm khi sơ cứu khiến nạn nhân nguy kịch hơn

Một khóa học sơ cấp cứu là rất cần thiết

Cách sơ cứu trẻ bị ngất và không còn thở

 Sơ cứu khi trẻ bị ngất nhưng vẫn còn thở

Tai nạn xe hơi

Một trong những tổn thương nặng nhất, đặc biệt sau tai nạn ô tô, là tổn thương cột sống cổ. Nếu di chuyển nạn nhân không đúng cách, hậu quả có thể khiến họ bị liệt. Vì vậy hãy gọi cấp cứu và để việc vận chuyển nạn nhân cho nhân viên cứu hộ. Trong lúc đó, hãy chắc chắn nạn nhân còn thở và cảm thấy thoải mái nhất có thể. Hãy trấn an họ và động viên cho đến khi xe cứu thương tới.

Khi một ai đó lên cơn động kinh

Nếu bạn đưa một vật lạ vào miệng nạn nhân khi họ lên cơn co giật, nạn nhân có thể nuốt phải nó. Vì thế việc bạn cần làm là gọi trợ giúp và giữ cho nạn nhân tránh xa những mối nguy hiểm xung quanh, như những vật sắc nhọn, bếp lửa hoặc ngã vào nước. Bạn cũng có thể đẩy cho nạn nhân nằm nghiêng để đường thở được thông thoáng.

Những lưu ý khi sơ cứu trẻ bị động kinh

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!