Sau tai biến y khoa: Bảo vệ bác sĩ như thế nào?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Câu chuyện xảy ra tai biến, người nhà đòi bác sĩ và bệnh viện bồi thường không phải là hiếm. Thậm chí gần đây còn có trường hợp gia đình đòi bệnh viện bồi thường lên tới 23,6 tỷ đồng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Võ Xuân Sơn về vấn đề này.

Xin chào bác sĩ Võ Xuân Sơn! Nhiều ngày nay trong giới bác sĩ cũng như dư luận quan tâm đến câu chuyện người bệnh bị tai biến, gia đình đòi bệnh viện bồi thường 23.6 tỷ đồng. Quan điểm cá nhân của bác sĩ về sự việc này như thế nào?

TS Võ Xuân Sơn: Khi y tế được coi là một dịch vụ, tất cả bệnh nhân khi không cảm thấy hài lòng với dịch vụ y tế đều có quyền khiếu kiện bệnh viện hoặc nhân viên y tế.

Ngược lại, nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng có quyền nhận cung cấp hoặc từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho những khách hàng đến với mình.

Để điều chỉnh những trường hợp mà lợi ích của các bên có thể bị xâm phạm, có những qui định cụ thể về trường hợp cấp cứu. Theo đó, khi người bệnh ở trong tình trạng cấp cứu, nhà cung cấp dịch vụ y tế bắt buộc phải tiến hành cấp cứu.

Sau tai biến y khoa: Bảo vệ bác sĩ như thế nào?

Tai biến y khoa không thể để bác sĩ phải đứng ra đền bù

Ngược lại, về phía bệnh nhân và gia đình, cũng phải chấp nhận tỉ lệ rủi ro cao khi tiến hành cấp cứu. Ngoài trường hợp cấp cứu, trong một số trường hợp, hai bên tiến hành kí kết hợp đồng khám chữa bệnh dưới các dạng thức khác nhau.

Ở Việt Nam, do chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa, y tế cũng chưa hoàn toàn được coi là dịch vụ. Cả bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và nhân viên y tế đều chưa có ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình khi khám chữa bệnh. Từ đó nảy sinh khá nhiều mâu thuẫn không đáng có giữa hai bên.

Đối với vụ kiện đòi bồi thường 23,6 tỉ đồng của gia đình bệnh nhân kiện bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, gia đình bệnh nhân hoàn toàn có quyền kiện. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta bàn đến ở đây là bệnh nhân và gia đình đã bất chấp tất cả mọi lời giải thích, và cả cách thức truyền thông của báo chí.

Những lập luận của người nhà bệnh nhân trên báo đưa ra để yêu cầu bệnh viện bồi thường 23,6 tỉ đồng đều không có cơ sở. Tất cả đều là những nhận định chủ quan, cách đòi hỏi thông tin của các luật sư người bệnh đối với bệnh viện đã xâm phạm vào quyền bảo mật thông tin cá nhân của nhân viên y tế.

Đối với BS Tuấn, người đã được Ban Giám đốc bệnh viện phân công thực hiện phẫu thuật này, bảo đảm các yếu tố pháp lí như đã có chứng chỉ hành nghề, đã được huấn luyện để thực hiện phẫu thuật. Như vậy, cả bác sĩ và bệnh viện đều không có sai sót về mặt pháp lí.

Bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, và cả các luật sư đều không có quyền yêu cầu bệnh viện kê khai những ca mổ của BS Tuấn, kể cả có biến chứng hay không. Ở đây có sự ngộ nhận về quyền của bên khởi kiện. Điều đáng tiếc là cơ quan báo chí cũng không nhìn thấy vấn đề này, mà với cách giật tít, cách viết, làm cho người đọc hiểu rằng những đòi hỏi như vậy là đúng.

Mỗi cuộc mổ hay thủ thuật đều có cam kết giữa bệnh nhân hoặc người nhà với bệnh viện nhưng khi xảy ra sự cố bác sĩ vẫn bị người bệnh kiện. Theo ông, cam kết ký giữa bệnh nhân (người nhà) với bệnh viện có được xem là một hợp đồng dân sự không?

TS Võ Xuân Sơn: Khi thực hiện các thủ thuật có xâm lấn trên bệnh nhân, phía bệnh viện hoặc nhân viên y tế đều giải thích cho người bệnh và gia đình. Có một thực tế là sự hiểu biết về bệnh lí và những biến chứng có thể xảy ra không đồng đều giữa người cung cấp và người nhận dịch vụ, nên người bệnh và gia đình họ ở thế yếu trong thao tác này.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì khi người bệnh đồng ý cho thực hiện thủ thuật trên cơ thể mình, người bệnh phải có nghĩa vụ tìm hiểu các nguy cơ đối với bản thân mình.

Một điều nữa, người bệnh là người có quyền tối cao đối với cơ thể của họ. Luật pháp của chúng ta chưa thể hiện được điều này. Hầu hết các bác sĩ đã từng phải ngưng cứu chữa bệnh nhân, trong khi bản thân bệnh nhân tha thiết muốn được điều trị, chấp nhận mọi rủi ro, nhưng người nhà lại không đồng ý, và tước đoạt đi cơ hội được cứu sống của người bệnh.

Trường hợp của bệnh nhân trong vụ kiện đòi bồi thường 26,3 tỉ đồng này lại hoàn toàn khác. Bệnh nhân đồng ý thực hiện thủ thuật, và chỉ định người đại diện cho mình. Tuy nhiên, khi bệnh nhân không còn tự chủ được thì người nhà lại đứng ra đòi quyền lợi cho người bệnh. Từ đó, có những phát biểu rất không đúng về quá trình giải thích và cam kết.

Với căn bệnh rò động mạch cảnh xoang hang, người bệnh trong câu chuyện này sẽ gần như chắc chắn mù, liệt, và tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Trong các biện pháp can thiệp, can thiệp nội mạch như bệnh nhân được thực hiện là can thiệp có độ an toàn cao nhất. Việc bác sĩ giải thích cho bệnh nhân chấp nhận điều trị và lựa chọn giải pháp có độ an toàn cao nhất là việc cần làm, thể hiện y đức của người thầy thuốc.

Nhiều bác sĩ lo ngại việc kiện đòi bồi thường nay sẽ tạo ra tiền lệ, khi đó các bác sĩ sẽ không dám làm việc bởi vì nghề y liên quan đến sức khỏe con người, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra tai biến. Xin TS cho biết trong trường hợp này cần những biện pháp quyết liệt nào để bảo vệ bác sĩ, giúp họ yên tâm làm việc?

TS Võ Xuân Sơn: Việc bệnh nhân không cảm thấy hài lòng với dịch vụ y tế, từ đó khiếu kiện bệnh viện hoặc nhân viên y tế là chuyện bình thường trong một xã hội dân sự. Điều không bình thường ở nước ta là việc bệnh viện và nhân viên y tế (phía bên cung cấp dịch vụ y tế) không có quyền từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho những đối tượng có nguy cơ gây thiệt hại cho mình.

Đối với một số bệnh viện và nhân viên y tế được trang bị đầy đủ bản lĩnh đối phó với những sự cố như thế này, thiệt hại của họ có thể nhỏ hơn.

Tuy nhiên, đối với phần đông nhân viên y tế, việc tên mình bị phơi bày lên mặt báo, bị hàng ngàn ý kiến bôi nhọ, công kích, là những cú sốc rất nặng, có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Trên thực tế, đã có bác sĩ tự tử sau khi bị đưa lên mặt báo, và nhận được những búa rìu dư luận mà không thể giải thích được. Phản ứng tiêu cực có thể thể hiện dưới hình thức viện lí do này, lí do khác để từ chối điều trị bệnh nhân.

Tôi không lo ngại việc vụ đòi bồi thường này tạo ra tiền lệ xấu cho ngành y, vì không có cơ sở nào cho những đòi hỏi ấy. Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cũng không phải nơi thiếu bản lĩnh để ai muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.

Điều tôi lo ngại chính là những tác động tiêu cực của cách truyền thông không khách quan lên tinh thần của các thầy thuốc, lên mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, lên mối quan hệ giữa y giới và báo giới. Và tôi đặc biệt lo ngại cho quyền lợi của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng sau khi những mối quan hệ nói trên bị xấu đi.

Xin cảm ơn ông!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!