Single mom: biểu tượng của tính nữ quyền

Làm mẹ - 11/24/2024

Ở Việt Nam có hơn 2 triệu người phụ nữ tuổi trưởng thành chọn lối sống độc thân, trong đó ¾ chấp nhận nuôi con một mình.

Mẹ đơn thân là một thực trạng đang diễn ra phổ biến trong xã hội với những mắt trái phải cần được nhìn nhận khách quan. Khi lựa chọn trở thành người mẹ đơn thân, với bao áp lực từ gia đình và xã hội nhất là cái xã hội theo kiểu truyền thống, tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’ vẫn còn lẩn khuất trong tâm trí không ít người thế hệ trước cũng như thế hệ về sau. 

Có người cho rằng họ là những ‘gái hư’ đích thực khi ‘không chồng mà chửa’, có người khâm phục sự cứng rắn từ những bà mẹ một mình bươn chải giữa cuộc sống vốn đã rất độc ác với sức chịu đựng của người đàn ông, một số khác lại tỏ ra thương hại đối với những ‘ngôi nhà không nóc'… Nhưng trên hết, bên cánh ý kiến cá nhân của mỗi người, đã bao giờ chúng ta tự đặt chính mình vào hoàn cảnh ấy để thực sự thông cảm, thấu hiểu cho họ? Hay chúng ta chỉ đơn thuần liếc qua, thậm chí nghe qua để buông lời cay đắng?

Single mom: biểu tượng của tính nữ quyền

Ảnh minh họa

Bi kịch tình yêu

Bà mẹ đơn thân được coi là cộng đồng lẩn khuất sau những ngồi nhà ‘truyền thống’ với tình yêu thương từ bố và mẹ. Theo thống kê năm 2008 ở Mỹ, số gia đình bố/mẹ đơn thân chiếm đến 12%, số lượng này chưa bằng ở Australia, xấp xỉ 15,2%. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2007, cũng đã có hơn 2 triệu người phụ nữ tuổi trưởng thành chọn lối sống độc thân, trong đó ¾ chấp nhận nuôi con một mình. Đặc biệt, xu hướng này ngày càng nở rộ ở các thành phố lớn khi các chị em có khả năng tự chủ tài chính cũng như có nhiều tự do hơn.

Vậy điều gì khiến những người phụ nữ này chấp nhận từ bỏ cánh tay rộng của người đàn ông để gánh trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ? Một cách rõ ràng, hầu như chúng ta đều ngầm hiểu, đàn ông là một trong những nhân tố chủ yếu tạo nên tình trạng này. Xu hướng ‘bố của con tôi không có nghĩa là chồng tôi’ do mất niềm tin vào tình yêu của người đàn ông, do những nỗi đau quá lớn họ một mình chịu đựng.

Thậm chí, một số người đã từng yêu, từng kết hôn với bao viễn cảnh về tương lai hạnh phúc bỗng dưng đổ vỡ như bong bóng xà phòng bởi người đàn ông họ từng yêu, từng đặt hi vọng thay đổi đến bất ngờ. Có chồng cũng như không khi họ vừa phải làm việc nhà, làm việc cơ quan, chăm sóc con cái với trăm nghìn nỗi lo khi cuối tháng các loại hóa đơn dồn dập trong khi người chồng vẫn nhởn nhơ nhậu nhẹt, xem bóng đá… Theo nhận định của một nữ văn sĩ thì phụ nữ Việt Nam dù lấy chồng thì đến 90% không khác gì nuôi con đơn thân.

Đặc biệt, với nhiều gia đình ở nông thông, có một cô con gái ‘không chồng mà có con’ là điều day dứt, thậm chí sỉ nhục cho bậc phụ huynh. Những mẹ đơn thân này chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là cứ thế nuôi con một mình trong sự đàm tiếu của người đời, trong sự ghẻ lạnh của hàng xóm, chịu thiệt thòi trong gánh nặng mưu sinh; hoặc nhắm mắt cười đại một người cho ‘con có cha’ để rồi chôn vùi tuổi thanh xuân trong một canh bạc mà chỉ biết chờ đợi may rủi từ bánh xe số phận.

Có phải một dạng nữ quyền?

Single mom: biểu tượng của tính nữ quyền

Ảnh minh họa

Theo quan điểm của người Nhật, phụ nữ không lấy chồng không phải người bất hạnh mà đơn giản chỉ là kiếp trước họ tu đủ rồi. Ở đây hoàn toàn không phải cố súy cho phong trào ‘single mom’ nhưng nếu có một gia đình ‘truyền thống’, điều đó là tốt nhưng nếu họ không muốn, hoặc một gia đình với người đàn ông vượt quá sức chịu đựng của họ thì làm mẹ đơn thân là một giải pháp tốt hơn cả.

Ở đây chúng ta không bàn đến vấn đề phát triển bình thường của những đứa trẻ trong gia đình này, hãy chú ý đến người mẹ. Dù đau khổ, mất niềm tin thì sâu thăm trong họ vẫn là một tâm hồn rất phụ nữ, họ cũng ước ao được làm mẹ, được nuôi con như bao người. Vậy thì chẳng có lí do gì chúng ta ngăn cấm một điều nhân văn như vậy.

Những phản đối lấy truyền thống, đạo đức để so sánh, đả kích liệu có quá độc ác khi chính họ mới là người chịu trách nhiệm cho bản thân, cho con cái họ? Đừng bao giờ lấy những quan niệm xưa cũ để bắt ép người khác phải làm theo ý mình, cũng đừng bao giờ lấy sở thích cá nhân bản thân ra sắp đặt cho người khác. Bạn thích gia đình ‘truyền thống’ hãy cứ làm theo điều bạn muốn, song song với việc tôn trọng gia đình kiểu khác.

Hãy nhớ rằng, thế giới này quá rộng lớn và đa dạng đến nỗi bạn phải thích nghi với những thay đổi trong từng tích tắc. Một chiếc lá không nhất thiết phải có màu xanh, một chiếc lá đỏ hay màu mận chín đều tuyệt vời và tốt đẹp như nhau. Một gia đình đa dạng cũng như vậy!

Ngọc Luyện (Tổng hợp)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!