Dịch bệnh tại Italy diễn biến vô cùng phức tạp và khó kiểm soát
Italy công bố thêm 368 ca tử vong vì dịch COVID-19 sau 24h, nâng số người chết vì virus corona ở nước này lên hơn 1.809 người. Con số này cao hơn ở Trung Quốc khi trong giai đoạn đỉnh dịch (254 ca tử vong ghi nhận trong ngày 12/2).
Tính đến 8h00 sáng nay, số ca nhiễm COVID tại nước này tăng thêm 3.590 người nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 24.747. Trong số những người nhập viện do COVID-19 có cả trẻ em. Dịch bệnh tại Italy diễn biến vô cùng phức tạp và lan ra nhanh chóng, khó kiểm soát.
Giữa tâm dịch bùng phát, các bệnh viện ở Italy đang rơi vào cảnh thiếu thốn cơ sở vật chất nghiêm trọng. Các bác sĩ tại đây phải làm việc liên tục, không ngừng nghỉ trong nhiều tuần. Dù thiếu thốn, song các nhân viên y tế vẫn nỗ lực hết mình để chăm sóc cho các bệnh nhân tại các khu điều trị.
Italy đang là ổ dịch lớn nhất khu vực châu Âu với số ca bệnh toàn quốc đã vượt mốc 21.000 người. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày một nghiêm trọng, các bác sĩ tại đây cũng vô cùng vất vả trong điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: Reuters.
Các bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc cả ngày lẫn đêm để nhanh chóng xác định những người nhiễm bệnh. Số lượng bệnh nhân lên tới vài nghìn người mỗi ngày nên ngành y tế phải tận dụng và cải tạo nhanh chóng những khu nhà cũ làm cơ sở điều trị cho bệnh nhân.
Tại vùng phía Bắc Lombardy, các y bác sĩ thường xuyên làm việc quá giờ để theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân. Họ đã làm liên tục trong nhiều tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát và có rất ít thời gian nghỉ ngơi.
Dịch bệnh bùng phát và lan rộng tại Italy chỉ trong vài tuần. Đầu tuần vừa qua, chính phủ nước này đã phải ra quyết định phong tỏa toàn quốc và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra đường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Dịch bệnh lây lan nhanh chóng cũng khiến nhiều bệnh viện rơi vào cảnh quá tải do thiếu giường bệnh, cơ sở vật chất, thuốc men và cả nhân lực chăm sóc. (Ảnh: Reuters)
Các bệnh viện tại Italy đã rơi vào tình trạng 'vỡ trận' do số ca bệnh tăng lên nhanh chóng. Nhiều căn lều được dựng lên để phục vụ nhu cầu chữa trị của bệnh nhân do các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải.
Iran, Nhật Bản, Đức, Pháp đối mặt với 'vết dầu loang' của dịch bệnh
Tính đến 8h00 sáng 16/3, thế giới ghi nhận 169.420 ca nhiễm mới và 6.515 người tử vong vì COVID-19. Dịch COVID-19 hiện có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau một đêm tại nơi khởi phát bệnh, Trung Quốc ghi nhận 14 ca nhiễm mới và 14 người tử vong.
Cùng với những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã có một ngày ghi nhận số ca nhiễm giảm mạnh. Sau 24 giờ tại Hàn Quốc có thêm 76 ca nhiễm mới và 3 người tử vong. Hiện tại số ca nhiễm và tử vong ở nước này là 8.162 và 75.
Cùng với những khó khăn mà Italy đang đối mặt, các nước đứng trong top đầu có ca nhiễm và tử vong cao như Iran, Nhật Bản, Pháp... vẫn có nguy cơ dịch bệnh gia tăng.
Giới chức Iran ngày 15/3 thông báo đã ghi nhận thêm 113 ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 724 trường hợp. Đây cũng là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trên mạng xã hội Twitter, cố vấn Bộ Y tế Iran Alireza Vahabzadeh xác nhận, trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 1.209 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.938 trường hợp. Phát biểu tại hội nghị, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour đã khuyến cáo người dân nên hủy các chuyến đi và ở nhà cho đến khi tình hình cải thiện trong những ngày tới.
Quân đội Iran đã khởi xướng một cuộc tập trận vào Chủ nhật để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. (Ảnh: IRNA)
Cùng ngày, lục quân Iran đã bắt đầu các cuộc diễn tập nhằm ngăn chặn cũng như theo dõi sự bùng phát của dịch COVID-19. Theo Lục quân Iran, các cuộc diễn tập sẽ được tiến hành dưới sự chỉ huy và giám sát của Phó Tư lệnh Lục quân Iran Habibollah Sayyari. Các đơn vị trên bộ thuộc Lục quân Iran sẽ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này với sự chỉ huy của Chuẩn tướng Kioumars Heydari.
Nhật Bản cũng trải qua một ngày mệt mỏi khi có tới 1.454 người mắc và 96 người tử vong sau một đêm. Tổng số ca mắc và tử vong của nước này hiện đang là 7.845 và 292.
Tính đến sáng nay, Đức có thêm 1.214 ca nhiễm mới và 2 người tử vong. Số người nhiễm và tử vong của Đức hiện ghi nhận ở con số 5.813 và 11.
Tại Pháp số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng lên, hiện tổng số người nhiễm bệnh là 5.423 (tăng 924) và số ca tử vong là 127 (tăng 36).
Theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một hội đồng khoa học, bao gồm 10 thành viên là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ học đã được thành lập vào ngày 11/3 vừa qua. Đây chính là những người đã tư vấn, trước khi Tổng thống Macron chính thức công bố các giải pháp đối phó với tình hình dịch COVID-19 vào ngày 12/3.
Rất nhiều kịch bản đã được các nhà khoa học trong hội đồng khoa học đưa ra. Theo nguồn tin của nhật báo Thế giới (Le Monde) ngày 15/3, một kịch bản thảm họa nhất mà hội đồng khoa học này đưa ra, dựa trên tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ tử vong cao nhất có thể xảy ra, đó là dịch COVID-19 có thể gây ra cái chết của khoảng 300.000 – 500.000 người tại Pháp. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ xảy ra nếu nước Pháp không áp dụng bất cứ biện pháp đấu tranh và phòng ngừa nào.
Cũng sau một ngày, Thụy Sĩ trong bối cảnh số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng vọt lên 2.200 người tính đến sáng nay Trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận tại Thụy Sĩ đã tăng gần 1.000 ca - mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25/2.
Nước Anh muốn cách ly tất cả những người trên 70 tuổi
Nước Anh trải qua một ngày với nhiều lo lắng khi số người nhiễm đã lên con số 1.391 và 35 người tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức lên tiếng quan ngại về cách tiếp cận tạo cơ chế miễn nhiễm cộng đồng để chống dịch COVID-19 của chính phủ Anh. Trước đó, vào ngày 13/3, Trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh Patrick Vallance đã có phát biểu chấn động rằng sẽ cần hàng triệu người Anh nhiễm COVID-19 để kiểm soát dịch COVID-19 và 'những đợt bùng phát trong tương lai'. Vị này lập luận COVID-19 có thể sẽ quay lại và trở thành một loại cúm phổ biến như cúm mùa trong khi đến nay vẫn chưa có vaccine chính thức.
Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức lên tiếng quan ngại về cách tiếp cận tạo cơ chế miễn nhiễm cộng đồng để chống dịch COVID-19 của chính phủ Anh. (Ảnh minh hoạ: Cambridge-news)
Theo định nghĩa của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), khái niệm miễn dịch cộng đồng (herd immunity) dùng để chỉ việc trong một cộng đồng xã hội có một tỉ lệ người nhất định miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm và số lượng này đủ lớn để chặn đứng khả năng lây lan từ người sang người của bệnh.
Thông thường, khả năng miễn dịch nói trên có được là nhờ áp dụng tiêm phòng vaccine đại trà. Khi tỉ lệ người được tiêm vaccine trong cộng đồng đủ cao, chuỗi lây nhiễm sẽ bị phá vỡ và chặn đứng được khả năng lây lan của bệnh. Ngược lại, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm, nhiều người dễ mắc bệnh hơn, dẫn đến gia tăng mức độ lây lan của bệnh và nguy cơ xuất hiện các đợt bùng phát dịch.
Các chuyên gia cảnh báo đây là một chiến lược cực kỳ mạo hiểm vì hiện chưa có nước nào bào chế được vaccine ngừa COVID-19 chính thức, cũng như chưa ai tìm ra kháng thể của virus. Trong khi đó, trên thế giới đã xuất hiện nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 dù đã được điều trị thành công.
Trong ngày hôm qua,, Bộ trưởng Y tế Anh vừa xác nhận kế hoạch cách ly tất cả những người trên 70 tuổi trong 4 tháng giữa thời điểm virus SARS-CoV-2 đang lây lan chóng mặt.
'Việc cách ly những người già nằm trong kế hoạch. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn vào đúng thời điểm. Điều này được thực hiện nhằm bảo vệ họ', Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancook cho hay.
Người cao tuổi đang là đối tượng quan tâm hàng đầu trong mùa dịch tại Anh. (Ảnh minh hoạ: AFP)
Trước đó, biên tập viên Robert Peston của đài ITV cũng cho biết, chính quyền Anh nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp kiểu thời chiến và nhiều công cụ khẩn cấp khác, bao gồm cả việc cách ly những người già.
Số ca mắc COVID-19 ở Malaysia tăng đột biến; Thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân bình tĩnh
Malaysia báo cáo thêm 190 ca bệnh hôm qua (15/3), tăng 80% trong một ngày và nâng tổng số ca nhiễm lên 428. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt đại dịch COVID-19 cho đến nay ở khu vực Đông Nam Á .
Hầu hết các ca bệnh bắt nguồn từ sự kiện Hồi giáo được tổ chức từ ngày 27/2 đến 1/3. Theo cơ quan chức năng, sự kiện có 14.500 người Malaysia và khoảng 1.500 người nước ngoài tham dự.
Một sự kiện Hồi giáo ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Sau sự kiện tôn giáo trên, một số người Singapore trở về cũng bị phát hiện mắc bệnh, khiến nước này phải ngừng hoạt động tại các nhà thờ Hồi giáo trong hai tuần. Tại Brunei, 40 người được xác nhận nhiễm virus corona sau khi tham dự sự kiện.
Hôm 14/3, Malaysia cho biết đã tìm được khoảng 4.900 người nước này tham dự buổi lễ, hơn 3.000 người đang trải qua các quá trình sàng lọc và xét nghiệm. Hơn 1.600 người trong số đó đã có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp, và 137 người được đưa đến bệnh viện.
Hàn Quốc hồi cuối tháng 2 cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến 'bệnh nhân 31' – một người phụ nữ 61 tuổi không có lịch sử du lịch nước ngoài gần đó nhưng đã đến nhà thờ và một bệnh viện trước khi xét nghiệm.
Người này sau đó được xác định là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa – một tổ chức tôn giáo trở thành tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 ở Hàn Quốc với hơn 1.700 ca bệnh.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi bình tĩnh sau khi người dân đổ xô mua dự trữ lương thực và những nhu yếu phẩm thường ngày.
Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói sau một cuộc họp được triệu tập để đối phó với sự lây lan ngày càng tăng của virus SARS-CoV-2 ở Thái Lan rằng 'chúng ta vẫn chưa phải ở trong giai đoạn cần phải dự trữ thực phẩm'.
Thực phẩm như mì ăn liền, xúc xích và thực phẩm đóng hộp đã không còn trên các quầy hàng tại rất nhiều siêu thị khi người mua hàng tìm kiếm để đề phòng thiếu hụt.
Người dân đeo khẩu trang tại một khu mua sắm ở Thái Lan. Ảnh: Nikkei.
Thái Lan ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 trong ngày 15/3, nâng tổng số các trường hợp lây nhiễm là 114 bệnh nhân, giữa lúc có khuyến cáo từ giới chuyên gia y tế rằng quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào 'giai đoạn ba' của dịch bệnh, tức là có sự lây lan rộng trong cộng đồng.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine kháng virus SARS-CoV-2
Tính đến 8h00 sáng nay, nước Mỹ ghi nhận thêm 737 ca nhiễm mới, 11 người tử vong nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lên 3.680 và 68.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, quan chức chính phủ Mỹ cho biết quá trình thử nghiệm đánh giá lâm sàng vaccine kháng virus corona sẽ bắt đầu từ ngày 16/3.
Mọi người đeo mặt nạ y tế trên AirTrain trên đường đến Sân bay John F. Kennedy vào Thứ Bảy, ngày 7 tháng 3 năm 2020, vì mối lo ngại về coronavirus mới phát triển ở Thành phố New York. Hình ảnh Spencer Platt / Getty
Đợt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho vaccine có 45 tình nguyện viên tham gia. Tất cả đều là người trẻ và có tình trạng sức khỏe tốt. Nhóm tình nguyện viên đầu tiên này sẽ nhận vaccine trong ngày 16/3. Cơ quan cấp quỹ cho cuộc thử nghiệm là Viện Y tế Quốc gia. Buổi tiêm thử nghiệm sẽ diễn ra tại Viện Y tế Kaiser Permanente ở Seattle, bang Washington, AP dẫn nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ .
Các tình nguyện viên sẽ nhận những liều lượng vaccine khác nhau, do Viện Y tế Quốc gia và công ty Moderna phối hợp phát triển.
Nhân viên y tế của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Colorado thực hiện các xét nghiệm coronavirus trên một người lái xe tại một địa điểm thử nghiệm lái xe bên ngoài Đại hý trường Denver vào ngày 14 tháng 3 năm 2020. David Zalubowski / AP
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!