Trước những hiệu quả thấy rõ, hoạt động sơ cấp cứu tại cộng đồng được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm phổ biến, nhân rộng.
Thiếu niên quận Ba Đình tham gia Hội thi sơ cấp cứu và phòng, chống tai nạn thương tích.
Tăng 50% cơ hội sống
Cuối tháng 8-2019, khi đi tuần tra đêm, tổ công tác của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nghe thấy tiếng kêu cứu tại khu vực km 195, bờ trái sông Hồng, thuộc địa bàn xã Võng La (huyện Đông Anh). Lập tức tổ công tác đã tiếp cận được nạn nhân và đưa lên xuồng. Lúc này, nạn nhân đã bất tỉnh. Nhờ những kỹ năng sơ cấp cứu được trang bị, các chiến sĩ cảnh sát đã sơ cứu kịp thời cho nạn nhân, sau đó gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Kết quả, sức khỏe của nạn nhân hồi phục sau ít ngày điều trị.
Trước đó, một thanh niên bị tai nạn giao thông khá nghiêm trọng trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) được anh Nguyễn Tiến Hùng, trú tại quận Nam Từ Liêm tiến hành sơ cấp cứu đúng cách tại hiện trường. Sau đó, anh Hùng đưa nạn nhân đến Bệnh viện E cấp cứu kịp thời.
Không may mắn như hai trường hợp nêu trên, việc tiến hành sơ cấp cứu không đúng cách làm cho không ít nạn nhân bị thương nặng hơn. Chị L.T.A (trú tại huyện Sóc Sơn) kể, người thân của chị là anh L.T.T. không may bị tai nạn giao thông, chấn thương đốt sống cổ. Thấy vậy, những người chứng kiến đã bế xốc anh T. lên xe máy đưa đi cấp cứu. Việc sơ cứu vội vàng, không đúng cách khiến anh T. bị chèn ép tủy, hiện bị liệt hai chi dưới. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích ở Việt Nam và Hà Nội không phải là ngoại lệ. Nếu được sơ cấp cứu đúng kỹ thuật, người bị tai nạn giao thông sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, đa số người chứng kiến thường có tâm lý phải đưa nạn nhân đi cấp cứu càng nhanh, càng tốt, nên họ vội vàng bế, vác, cõng nạn nhân di chuyển vào bệnh viện. Phương pháp hỗ trợ này có thể làm cho nạn nhân bị thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong.
Nỗ lực triển khai
Hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động sơ cấp cứu tại cộng đồng, ngành Y tế Thủ đô đã, đang tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm nhân rộng, phát triển hoạt động này đến mọi người dân. Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã hình thành những điểm sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng. Đại đa số trường học từ bậc tiểu học trở lên đã thành lập các hội, chi hội chữ thập đỏ, mỗi chi hội thu hút hàng chục học sinh có tấm lòng nhân ái tham gia. Đây cũng là lực lượng nòng cốt được trang bị các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; qua đó các em có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn cho bạn bè và những người xung quanh.
Ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh cho biết, hằng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu tại chỗ cho thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích cấp xã và đội ngũ cộng tác viên y tế thôn. Các đơn vị tổ chức các cuộc thi, hội thi cộng tác viên sơ cấp cứu giỏi, nhằm nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng. Nhờ đó, số trường hợp bị tai nạn thương tích trên địa bàn huyện giảm dần. Tại quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…, lực lượng thanh, thiếu niên cũng sôi nổi tham gia hội thi sơ cấp cứu và phòng, chống tai nạn thương tích được tổ chức thường niên. 'Tìm hiểu về kỹ năng sơ cấp cứu giúp chúng em có thể nắm bắt cơ hội sống cho mình và cho người khác nếu biết sơ cấp cứu đúng cách, đúng thời điểm', em Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) phản ánh.
Về phía người dân, ông Nguyễn Đình Vơ, số nhà 14, ngõ 82, phố Lương Yên, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) khẳng định: 'Nhờ những kiến thức thu được sau khi tham gia các lớp tập huấn về sơ cấp cứu, năm 2018, tôi đã sơ cứu kịp thời cho người thân khi bị ngã, gây chấn thương; đồng thời có thể hỗ trợ những người xung quanh khi cần'.
Với những hiệu quả đã được khẳng định, hy vọng các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục đầu tư nguồn lực vật chất, con người để phát triển mô hình sơ cấp cứu tại cộng đồng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!