Sơ cứu khi gặp tai nạn tổn thương đứt lìa chi thể

Kỹ năng sống - 04/19/2024

Trong trường hợp không có sẵn nước lạnh, hãy để phần chi thể đứt rời tránh xa các nguồn nhiệt càng xa càng tốt.

Chấn thương khi có đứt lìa một phần cơ thể có thể gặp trong tai nạn: lao động, giao thông, sinh hoạt, do thiên tai, chiến tranh… Các thương tổn đứt lìa thường gặp là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới. Các phần chi thể đứt lìa có thể được phẫu thuật nối lại thành công nếu biết cách sơ cứu, bảo quản và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong chấn thương làm đứt lìa chi thể, sự thành công của phẫu thuật tái tạo còn phụ thuộc vào mức độ dập nát của tổn thương, tính chất nghiêm trọng của tổn thương, thời gian được đưa đến trung tâm phẫu thuật sớm hay muộn và nhiều yếu tố khác.

Tổn thương đứt lìa chi thể thường gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu lớn, sốc, nhiễm khuẩn. Ngày nay kết quả điều trị phẫu thuật nối chi thể bị đứt lìa trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể do áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong điều trị, trình độ phẫu thuật viên được nâng cao.

Bài viết sau cung cấp những kiến thức chung nhất và những vấn đề cần lưu ý khi tiến hành sơ cứu nạn nhân bị tổn thương đứt lìa chi thể.

Sơ cứu nạn nhân

1. Kiểm tra đường thở, loại bỏ những cản trở đường khí đạo như bùn đất đờm rãi, để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp được. Kiểm tra nhịp thở và tuần hoàn, nếu nạn nhân không còn tự thở thì lập tức tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi bằng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Cố gắng giữ bình tĩnh và trấn an những người xung quanh, cắt cụt chi thể thường là đáng sợ và đau đớn.

2. Cầm máu bằng cách tạo lực ép trực tiếp vào vết thương, tạo nên một áp lực chặt vào vết thương để cầm máu và kết hợp với nâng cao vùng  bị tổn thương. Nếu chảy máu vẫn tiếp tục, cần kiểm tra lại để nhận ra vị trí xuất phát của chảy máu và tiếp tục sử dụng lực ép chặt hơn. Nếu chảy máu lớn, việc đè ép hoặc băng ép khó cầm máu được và có nguy cơ đe dọa tính mạng thì biện pháp băng cầm máu bằng ga ro sẽ trở nên dễ dàng hơn cho cầm máu. Tuy nhiên, sử dụng ga ro để cầm máu trong thời gian dài có thể dẫn đến những tác động bất lợi.

Sơ cứu khi gặp tai nạn tổn thương đứt lìa chi thể

Ga rô cầm máu được coi là một trong những biện pháp sơ cứu tạm thời

Việc băng ép thường tiến hành khi tổn thương không có chảy máu lớn, như tổn thương cắt cụt ngón tay, ngón chân. Với tổn thương chảy máu lớn do cụt chi thể trong chấn thương, chi thể dập nát không còn khả năng bảo tồn thì tiến hành ga rô để cầm máu. Lưu ý khi đặt ga rô, đặt sát ngay phía trên vết thương, không nới ga rô vì trong trường hợp này chi thể đã bị cắt cụt.

3. Thực hiện các biện pháp phòng chống sốc, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm cho nạn nhân bằng chăn hoặc vải. Nâng cao chân của người bị nạn lên cao khoảng 30 cm để ưu tiên cấp máu cho các cơ quan quan trọng.  Không thực hiện thao tác này nếu nghi ngờ có tổn thương vùng đầu, tổn thương cột sống cổ, cột sống thắt lưng,  tổn thương vùng chi dưới hoặc tư thế này làm nạn nhân cảm thấy khó chịu.

4. Khi chảy máu đã được kiểm soát, cần kiểm tra phát hiện các dấu hiệu của tổn thương khác như tổn thương xương, và tiến hành các biện pháp sơ cứu khác phù hợp với tổn thương (nếu có).

Bảo quản và chăm sóc chi thể đứt lìa

1. Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận, đảm bảo chắc chắn không để quên hay bỏ sót phần chi thể bị đứt lìa. Loại bỏ các vết bẩn, dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương như đất, sỏi đá. Nhẹ nhàng rửa sạch phần chi thể bị đứt lìa nếu như vết cắt bẩn và có nguy cơ ô nhiễm.

2. Gói phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi ni lon hoặc túi nhựa được đóng kín, sau đó đặt túi ni lon vào trong nước đá lạnh.

3. Không được đặt trực tiếp phần chi thể trong nước đá mà không sử dụng túi nhựa bao bọc phái bên ngoài. Không được đặt trực tiếp chi thể lên đá lạnh, đá khô vì điều này sẽ gây ra sự tê cóng và tổn thương cho các mô của chi thể.

Sơ cứu khi gặp tai nạn tổn thương đứt lìa chi thể

Nếu sơ cứu tốt, các bộ phận bị đứt lìa có thể được nối lại cơ thể

4. Trong trường hợp không có sẵn nước lạnh, hãy để phần chi thể đứt rời tránh xa các nguồn nhiệt càng xa càng tốt. Chi thể bị căt rời nếu được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật trong vòng khoảng 18 giờ, trong khi nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 giờ. 

5. Bàn giao phần chi thể đứt rời cho lực lượng y tế hỗ trợ hoặc vận chuyển chi thể về cơ sở điều trị chuyên khoa nơi gần nhất./.

>> Xem thêm: Bé trai 3 tuổi bị máy xay thịt cuốn nát tay

ThS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học Dự phòng Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!