Gia Lai có 3.379 ca sốt xuất huyết và Kon Tum xấp xỉ 1.500 ca.
Ngày 1/8, Sở Y tế Kon Tum cho biết Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm, đặc biệt là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Hai bệnh viện đa khoa ở hai tỉnh Bắc Tây Nguyên đang trong tình trạng quá tải.
Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: S.N
17/17 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai đã xuất hiện bệnh sốt xuất huyết. Báo cáo của Sở Y tế Gia Lai cho biết, chỉ trong một ngày đã xuất hiện 115 ca bệnh mới. Dịch bùng phát mạnh nhất tại TP Pleiku với gần 1.000 ca. Tiếp đến là các huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đăk Pơ...
Ồng Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã gửi công điện khẩn đến ngành y tế yêu cầu tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu xác định các 'điểm nóng', tập trung nguồn lực khống chế và dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan. Một bệnh nhân sốt xuất huyết đã tử vong. Cơ quan chức năng phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Tuy vậy số bệnh nhân vẫn tăng lên từng ngày.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: S.N
Tại Kon Tum, 2 người tử vong vì sốt xuất huyết. Các ổ dịch vẫn đang hoành hành tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, TP Kon Tum...
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum cho biết địa phương đã lập đoàn kiểm tra các địa bàn thuộc huyện Đăk Tô, Đăk Hà, TP Kon Tum và Sa Thầy. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã nhờ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chỉ đạo chuyên môn phòng sốt xuất huyết Dengue hỗ trợ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!