Đặc điểm của loài muỗi A. aegypti (muỗi vằn) sống chủ yếu ở thành thị, còn loài A. albopictus (muỗi hổ châu Á) gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy, do quá trình đô thị hóa nhanh cho nên khó phân biệt ranh giới giữa nông thôn và thành thị, vì vậy, cả 2 loài muỗi đều xuất hiện khắp mọi nơi cả nông thôn lẫn thành thị và cùng mang mầm bệnh vi-rút Dengue.
Loại muỗi này thường sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt rất dai cho đến khi no mới thôi. Chúng thường hút máu vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Muỗi vằn thường đẻ trứng ở nước sạch như nước lọ cắm hoa, ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, ở các lốp xe hỏng có đọng nước, máng nước, các hồ, ao tù, nước đọng.
Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch (Ảnh minh họa: Internet)
Trứng muỗi sẽ phát triển thành loăng quăng (bọ gậy) sau khoảng 2 tuần lễ, nếu nhiệt độ của môi trường thích hợp (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày. Muỗi trưởng thành sẽ hút máu người bệnh sốt xuất huyết và truyền vi-rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết cho người lành qua vết muỗi đốt hút máu.
Mọi lứa tuổi khi chưa có miễn dịch với bệnh sốt xuất huyết đều có thể mắc bệnh này. Vi-rút Dengue có 4 týp huyết thanh (từ D1 - D4) đều có khả năng gây bệnh cho nên nếu đã mắc bệnh týp D1 rồi thì vẫn có thể mắc bệnh týp khác (D2, D3, D4). Những vùng, địa phương lần đầu có bệnh sốt xuất huyết thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, bởi vì chưa có miễn dịch với bệnh sốt xuất huyết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!