Sức khỏe

Phẫu thuật A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Ghép thận là gì?

Ghép thận là phẫu thuật chuyển thận của người hiến cho người nhận. Người hiến là người có thận khỏe mạnh và tự nguyện hiến thận, còn người nhận là bệnh nhân suy thận một phần hoặc hoàn toàn.

Thận làm nhiệm vụ loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Khi thận không làm việc tốt, các chất thải sẽ bắt đầu tích tụ trong máu. Điều này gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể bạn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn, bao gồm:

  • Tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2;
  • Cao huyết áp;
  • Viêm cầu thận, hiện tượng viêm xảy ra ở bộ lọc của thận (được gọi là những cầu thận);
  • Viêm thận mô kẽ – tình trạng viêm xảy ra tại ống thận và các cấu trúc xung quanh;
  • Bệnh thận đa nang;
  • Tắc nghẽn ống thận kéo dài là do những rối loạn như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận, hay vài loại ung thư gây ra;
  • Trào ngược bàng quang niệu quản – một tình trạng trong đó nước tiểu bị trào ngược về phía thận của bạn;
  • Nhiễm trùng thận tái phát, còn được gọi là viêm đài bể thận.
  • Trong nhiều trường hợp, ghép thận có thể giúp bạn có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh hơn.

Khi nào bạn nên thực hiện ghép thận?

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện thời của bạn. Bạn có thể được ghép thận nếu:

  • Bạn đủ khỏe mạnh để thực hiện cuộc phẫu thuật;
  • Lợi ích của phẫu thuật ghép thận là lớn hơn nhiều so với nguy cơ;
  • Bạn đã thử những liệu pháp điều trị thay thế nhưng thất bại;
  • Bạn hiểu về nguy cơ xảy ra những biến chứng;
  • Bạn hiểu rằng bạn sẽ phải điều trị với thuốc ức chế miễn dịch và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kì câu hỏi hay mối lo ngại nào, bạn nên liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin. Việc thảo luận về tất cả những phương pháp điều trị bạn sẽ tiếp nhận là rất quan trọng.

Điều cần thận trọng

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện ghép thận?

Có nhiều nguyên nhân tại sao ghép thận có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kì tình trạng nào sau đây:

  • Nhiễm trùng đang diễn tiến (nhiễm trùng cần phải được điều trị trước);
  • Bệnh tim;
  • Suy gan;
  • Ung thư lan rộng tới nhiều phần khác nhau trong cơ thể bạn (ung thư di căn);
  • AIDS (đây là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất của nhiễm HIV).

Bạn cũng nên biết rằng sẽ mất một khoảng thời gian chờ đợi để bạn nhận được thận ghép. Bạn có thể sẽ được xếp trong một danh sách chờ đến khi có một quả thận khỏe mạnh thích hợp cho ca phẫu thuật của bạn. Người hiến thận phải có cùng nhóm mô và nhóm máu với bạn. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ cơ thể bạn đào thải thận ghép (thải ghép) của người hiến.

Ghép thận là một ca đại phẫu khá nguy hiểm. Vì các nguy cơ tiềm tàng của những vấn đề theo sau phẫu thuật nên người có thận ghép cần phải tái khám thường xuyên với bác sĩ.

Quan trọng là bạn phải hiểu những dấu hiệu cảnh báo và lưu ý chúng trước khi thực hiện phẫu thuật này. Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào, hãy thảo luận với bác sĩ phẫu thuật của bạn để có thêm thông tin và những hướng dẫn chi tiết.

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Mặc dù tỉ lệ các biến chứng nghiêm trọng đã sụt giảm đáng kể trong vài thập niên gần đây nhưng ghép thận – cũng như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác – không phải là không có nguy cơ.

Nguy cơ ghép thận có thể đến từ nhiều yếu tố:

  • Liên quan đến bản thân cuộc phẫu thuật;
  • Liên quan đến việc bạn phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (thuốc làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch);
  • Liên quan quan đến những vấn đề xảy ra sau đó với thận được ghép;

Hầu hết biến chứng xảy ra trong vài tháng đầu sau phẫu thuật nhưng các biến chứng cũng có thể gặp sau nhiều năm.

Biến chứng sớm và muộn của ghép thận sẽ được nêu dưới đây.

Các biến chứng sớm

  • Tắc nghẽn mạch máu;
  • Tắc hoặc rò niệu quản (niệu quản là hai ống nối dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang của bạn);
  • Thận chậm hoạt động;
  • Hiện tượng thải ghép thận cấp tính;
  • Nhiễm trùng;
  • Tụ dịch (sự tích tụ dịch quanh thận);
  • Tổn thương thần kinh thoáng qua (tổn thương nhất thời, có thể hồi phục);
  • Thận ghép mang theo ung thư hoặc nhiễm trùng.

Các biến chứng muộn

  • Suy thận;
  • Tắc nghẽn niệu quản;
  • Hẹp động mạch thận (động mạch thận là mạch máu dẫn máu nuôi thận của bạn);
  • Tử vong.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật. Tuân thủ theo những bước chăm sóc sau phẫu thuật của bác sĩ và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn là rất quan trọng với bạn.

Nếu bạn có bất kì câu hỏi gì về những biến chứng có thể xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Quy trình thực hiện

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện ghép thận?

Thông thường trước khi được ghép thận, bạn sẽ được đánh giá bởi một chuyên gia ghép tạng để đảm bảo rằng bạn là một ứng viên tốt cho phẫu thuật ghép thận. Bạn sẽ phải khám bác sĩ trong nhiều tuần hay nhiều tháng, đồng thời cần được xét nghiệm máu và chụp X quang.

Những xét nghiệm được thực hiện trước phẫu thuật này bao gồm:

  • Xét nghiệm tương hợp mô và máu để giúp đảm bảo rằng cơ thể bạn không thải ghép thận mới;
  • Xét nghiệm máu và da để tìm nhiễm trùng;
  • Xét nghiệm về tim mạch như: điện tâm đồ, thông tim;
  • Những xét nghiệm để tìm ung thư giai đoạn sớm;
  • Bạn sẽ cũng muốn cân nhắc chọn lựa những bệnh viện chuyên về ghép tạng để có được ca phẫu thuật tốt nhất;
  • Hãy hỏi chuyên gia của bạn rằng họ đã thực hiện bao nhiêu phẫu thuật ghép thận một năm và tỉ lệ bệnh nhân sống sót là bao nhiêu. Hãy so sánh con số này giữa các chuyên gia;
  • Hãy hỏi về những nhóm hỗ trợ mà họ dành cho bạn và phương tiện di chuyển cũng như chế độ chăm sóc tại nhà mà bạn sẽ được cung cấp.

Nếu chuyên gia tin rằng bạn là một ứng viên tốt cho phẫu thuật ghép thận, bạn sẽ được điền tên vào danh sách chờ thận.

Vị trí của bạn trong danh sách chờ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố chủ chốt là loại bệnh thận mà bạn mắc phải, mức độ nặng của bệnh lý tim mạch của bạn, và tỉ lệ thành công của ca phẫu thuật ghép thận là bao nhiêu.

Đối với người trưởng thành, lượng thời gian chờ đợi theo danh sách thường không phải là yếu tố quyết định bạn có được nhận thận sớm hay không. Hầu hết những người đợi ghép thận đều đang được chạy thận nhân tạo. Trong khi chờ đợi, bạn hãy:

  • Tuân thủ chế độ ăn như đã được khuyến cáo;
  • Không uống rượu;
  • Không hút thuốc;
  • Giữ cân nặng của bạn trong một giới hạn như đã được khuyến cáo. Tuân thủ theo bất kì chương trình tập luyện nào đã được khuyên;
  • Uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ. Báo cáo bất kì thay đổi nào về các loại thuốc của bạn và bất kì vấn đề sức khỏe xấu nào bạn gặp phải với nhóm bác sĩ ghép thận của bạn;
  • Hãy đi khám đúng lịch hẹn với bác sĩ tổng quát và nhóm ghép thận của bạn. Hãy đảm bảo rằng nhóm ghép thận có số điện thoại chính xác của bạn để họ có thể liên lạc ngay khi có thận ghép. Luôn luôn chắc chắn rằng bạn luôn trong tình trạng có thể liên lạc một cách nhanh chóng và dễ dàng;
  • Hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để bạn có thể nhập viện một cách thuận lợi.

Quy trình thực hiện ghép thận như thế nào?

Những bệnh nhân được phẫu thuật ghép thận thường được gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật.

  • Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường trên vùng bụng dưới rốn của bạn;
  • Thận mới sẽ được đặt bên trong vùng bụng dưới của bạn. Động mạch và tĩnh mạch của thận mới sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch vùng chậu. Máu sẽ chảy qua thận mới, điều này tạo ra nước tiểu giống hệt như quả thận cũ làm nhiệm vụ này khi nó khỏe mạnh. Ống dẫn nước tiểu (niệu quản) sau đó sẽ được gắn vào bàng quang;
  • Quả thận còn lại sẽ được để nguyên trừ khi nó gây ra những rối loạn như tăng huyết áp, nhiễm trùng, hoặc có kích thước quá lớn so với cơ thể bạn. Vết rạch sau đó sẽ được phẫu thuật viên đóng lại.

Phẫu thuật ghép thận sẽ mất khoảng 3 giờ.

Hồi phục sức khoẻ

Hồi phục sức khoẻ

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện ghép thận?

Thông thường, sau phẫu thuật ghép thận bạn phải nằm lại bệnh viện khoảng 3 đến 4 ngày để hồi phục. Bác sĩ phẫu thuật sẽ theo dõi quá trình hồi phục của bạn trong thời gian nằm viện.

  • Chăm sóc sau phẫu thuật ghép thận. Sau khi được xuất viện, bạn sẽ cần sống ở gần bệnh viện trong khoảng từ 2 đến 3 tuần để bác sĩ phẫu thuật có thể theo dõi chức năng của thận mới của bạn và quá trình hồi phục của bạn;
  • Chăm sóc sau phục hồi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cập nhật cho bác sĩ tổng quát về quá trình và diễn tiến bệnh của bạn, đồng thời cho lời khuyên để bạn tự chăm sóc tại nhà. Bạn sẽ cần tuân theo một lịch hẹn tái khám thông thường hoặc thường xuyên hơn nếu cần thiết;
  • Thuốc. Bạn sẽ cần uống thuốc ức chế miễn dịch cả đời để ngăn không cho cơ thể bạn đào thải thận được ghép. Nhóm ghép thận sẽ trao đổi với bạn về thông tin chi tiết liên quan đến thuốc mới;
  • Trở lại với cuộc sống thường ngày. Bác sĩ ghép thận sẽ xem việc bạn trở lại với cuộc sống lành mạnh là ưu tiên hàng đầu. Bạn sẽ nhận được những hướng dẫn cụ thể để tăng cường vận động theo một kế hoạch tập luyện và dinh dưỡng được giám sát. Bác sĩ và y tá sẽ làm việc cùng bạn để giúp đưa ra những lựa chọn cho lối sống lành mạnh hướng tới một tiên lượng ghép thận tối ưu.

Phẫu thuật ghép thận thành công đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ cùng với bác sĩ và bạn phải luôn luôn uống thuốc đúng như đã được hướng dẫn.

Nếu bạn có bất kì câu hỏi gì, hãy trao đổi với phẫu thuật viên để được cung cấp thêm thông tin cũng như những hướng dẫn cụ thể.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!