Sức khỏe

Phẫu thuật A-Z - 05/03/2024

Định nghĩa

Định nghĩa

Định nghĩa

Nội soi lồng ngực là gì?

Nội soi lồng ngực là một thủ thuật được dùng để kiểm tra xem có điều gì bất thường trong khoang màng phổi của bạn hay không. Khoang màng phổi là một khoang tạo bởi hai lá của màng phổi của bạn, một lá bao bọc mặt ngoài của phổi, một lá lót mặt trong thành ngực của bạn.

Bác sĩ có thể thực hiện luôn thủ thuật làm dày dính màng phổi của bạn để điều trị tràn dịch màng phổi (là tình trạng có quá nhiều dịch trong khoang màng phổi của bạn) hoặc tràn khí màng phổi (tình trạng có không khí ở trong khoang màng phổi của bạn), hai tình trạng trên có thể làm cho phổi bạn bị xẹp lại.

Khi nào bạn nên thực hiện nội soi lồng ngực?

Bạn nên thực hiện nội soi lồng ngực nếu các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm ban đầu cung cấp chưa đủ thông tin để bác sĩ chẩn đoán cho bạn, nội soi lồng ngực sẽ cho chẩn đoán chính xác hơn. Hoặc nội soi lồng ngực có thể được dùng để điều trị một số tình trạng như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi.

Thận trọng/cảnh báo

Thận trọng/cảnh báo

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện nội soi lồng ngực?

Nội soi lồng ngực có thể là không an toàn cho những người đã từng phẫu thuật phổi trước đó, những người có rối loạn đông máu, hoặc những người không thể thở được chỉ với một lá phổi (vì trong quá trình nội soi, một bên phổi của bạn sẽ được làm xẹp hoàn toàn hoặc một phần).

Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp (CT) có thể cho thêm nhiều thông tin. Đôi khi bác sĩ sẽ thực hiện thêm thủ thuật sinh thiết (lấy một mẫu mô màng phổi để xét nghiệm) bằng cách đưa một kim nhỏ vào lồng ngực của bạn.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện nội soi lồng ngực?

Hãy báo cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn thường xuyên uống thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid (như aspirin, ibuprofen, hay naproxen), hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác. Có thể bác sĩ sẽ cho bạn ngưng uống một số loại thuốc trước khi làm thủ thuật. Bạn nên khai báo luôn cả các loại thuốc nam, thuốc bắc hoặc các loại thực phẩm chức năng bạn đang dùng.

Bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 12 giờ trước khi thủ thuật.

Ngay trước khi làm thủ thuật, y tá sẽ đặt một kim luồn vào tĩnh mạch ở tay của bạn, sau đó bạn sẽ được gây mê toàn thân.

Quy trình thực hiện nội soi lồng ngực là gì?

Bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc an thần để giúp bạn thư giãn.

Nội soi lồng ngực đôi khi cần phải gây mê toàn thân.

Nội soi lồng ngực thường mất khoảng 45 phút. Bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên ngực của bạn và đưa một camera vào trong. Bác sĩ sẽ quan sát cẩn thận lồng ngực của bạn và thực hiện sinh thiết nếu cần thiết.

Bạn nên làm gì sau khi khi thực hiện nội soi lồng ngực?

Bạn sẽ ở lại trong bệnh viện vài ngày cho đến khi bạn hồi phục hoàn toàn từ những tác động của phẫu thuật và gây mê. Trong thời gian này, các bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (gồm thân nhiệt, mạch, huyết áp và nhịp thở) của bạn để đề phòng có biến chứng nào xảy ra không.

Bạn có thể được cho dùng thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu do thủ thuật này gây ra.

Bác sĩ sẽ cho bạn chụp X quang ngực để kiểm tra xem phổi của bạn đã phồng lên như bình thường chưa.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Biến chứng

Biến chứng

Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?

Những biến chứng bạn có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật này bao gồm:

  • Đau.
  • Tràn khí màng phổi.
  • Khó thở.
  • Chảy máu.
  • Nhiễm trùng trong khoang màng phổi.
  • Dị ứng.
  • Phù phổi (là tình trạng tăng áp lực ở các mạch máu trong phổi khiến dịch thoát vào phế nang của bạn, làm cản trở khả năng trao đổi oxy ở các phế nang).
  • Khí phế thũng (hay giãn phế nang, là tổn thương tiến triển, có đặc điểm là sự căng giãn thường xuyên và phá huỷ không hồi phục ở thành của các phế nang trong phổi của bạn) do phẫu thuật.

Bạn có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách thực hiện cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như việc dừng ăn và ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!