Sau 10 năm cắt bỏ 'cậu bé' vì căn bệnh ung thư quái ác, bệnh nhân này đã được trả lại sức mạnh đàn ông bằng phương pháp phẫu thuật tạo mới dương vật.
Quy trình phẫu thuật
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh viện vừa tiến hành tạo dương vật mới cho bệnh nhân Quang bị cắt toàn bộ 'cậu bé' do căn bệnh ung thư dương vật cách đây 10 năm.
Sau khi tái tạo dương vật, bệnh nhân được đảm chức năng như cũ (Ảnh minh họa: Internet)
Theo các bác sĩ, thể trạng bệnh nhân này tốt, căn bệnh ung thư đã được điều trị tiệt căn. Do dương vật của người đàn ông này bị mất hoàn toàn, các bác sĩ đã sử dụng da cẳng tay của bệnh nhân để 'cuộn' thành hình bộ phận mới, độn thêm phần sụn để đảm bảo chức năng cương, rồi chuyển xuống gốc dương vật cũ và tiến hành khâu nối các mạch máu, thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu để đảm bảo sự sống và duy trì chức năng như cũ.
Theo bác sĩ Nguyễn Tài Sơn, đây chỉ là một trong gần 30 ca tái tạo dương vật bằng vạt da cẳng tay với kỹ thuật vi phẫu được thực hiện tại bệnh viện.
Hiện nay, nhiều người sinh ra giới tính không rõ ràng, hoặc bộ phận sinh dục bị dập nát, mất hẳn do tai nạn lao động, giao thông..., các bác sĩ cũng có thể tái tạo lại hoàn toàn.
'Những bệnh nhân này không chỉ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt khi tiểu tiện, ảnh hưởng tới các chức năng về tình dục, sinh sản mà còn rất mặc cảm, tự ti. Vì thế, việc tái tạo bộ phận sinh dục là nhu cầu rất cần thiết và chính đáng', bác sĩ Sơn cho hay.
Ông cho biết, chất liệu tạo hình dương vật có thể sử dụng ngay da vùng thành bụng, bẹn hoặc đùi… là các vạt tổ chức có cuống nuôi, cuộn lại thành ống da. Tuy nhiên, da và tổ chức dưới da vùng lân cận thường dầy, đôi khi cuống nuôi quá ngắn không thuận lợi để làm bộ phận mới. Do vậy, vạt da cẳng tay là thích hợp nhất, có thể lấy đủ rộng để tạo cả niệu đạo và dương vật. Điều hạn chế duy nhất là sẹo cẳng tay sau lấy vạt rộng, thẩm mỹ kém.
'Đây là kỹ thuật cao đòi hỏi các bác sĩ có trình độ chuyên môn vững vàng. Phẫu thuật này vẫn có phần rủi ro, dù tỷ lệ thành công là trên 95%', bác sĩ Sơn cho biết thêm.
'Cậu nhỏ' mới sẽ như thế nào?
Theo PGS Nguyễn Tài Sơn, sau khi phẫu thuật từ 4-6 tháng bệnh nhân sẽ cảm nhận được bộ phận mới. Tuy nhiên 'cậu nhỏ' không thể cương cứng mà luôn được duy trì ở trạng thái thẳng nhờ có lõi sụn độn bên trong. Trên thế giới, tại một số nước người ta sử dụng hệ thống hỗ trợ cương bằng cách đặt các bơm tự động vào dương vật tạo hình.
Nhận định về chức năng này, bác sĩ Sơn cho biết: 'Bộ phận này không bao giờ có thể giống như cũ, nhưng bệnh nhân có thể tiểu đứng và quan hệ tình dục. Nếu tinh hoàn vẫn hoạt động sản sinh ra tinh trùng, họ hoàn toàn có khả năng duy trì nòi giống.
Trước đây, khi còn thiếu các thiết bị hiện đại, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, GS Nguyễn Huy Phan đã tạo dương vật mới cho các thương binh, sau đó họ vẫn có thể lấy vợ, sinh con bình thường.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!