Sưng mắt cá chân ở thai phụ: Trường hợp nào cần đi khám bệnh?

Làm mẹ - 11/24/2024

Sưng mắt cá chân là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ mang thai vì cơ thể của người phụ nữ mang thai tăng thể tích chất lỏng và máu lên đến 50% nhằm thích ứng với bào thai ngày càng phát triển gia tăng.

Ngoài mắt cá chân bị sưng trong thời kỳ mang thai, phụ nữ mang thai cũng có thể bị sưng phù ở bàn tay, bàn chân, chân và mặt. Tình trạng sưng phù có thể thay đổi theo thời gian trong ngày và nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến tình trạng sưng này.

Tại sao sưng mắt cá chân trong thời kỳ mang thai?

Thai nhi đang phát triển trong tử cung gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể mẹ. Những thay đổi về hóa học trong máu làm cho việc phân phối lại chất lỏng ở các mô của cơ thể mẹ. Vào 3 tháng cuối thai kỳ, trọng lượng của thai nhi trong tử cung có thể gây ra áp lực lên vùng chậu và tĩnh mạch chủ bụng - một mạch máu lớn có trách nhiệm chuyển máu của nửa dưới của cơ thể trở về tim. Do sự chèn ép của thai nhi gây tích tụ máu vùng dưới đầu gối làm mắt cá chân thai phụ sưng lên trong thời kỳ này.

Sự gia tăng trọng lượng cơ thể mẹ cũng có thể làm bàn chân lớn hơn bình thường, đặc biệt nếu tăng cân nhanh và đáng kể. Phụ nữ mang thai có nước ối quá nhiều hoặc đa thai có thể bị sưng mắt cá chân trầm trọng hơn.

Các yếu tố sau đây cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sưng mắt cá chân: Tạo áp lực trên đôi chân trong thời gian dài như đứng nhiều chẳng hạn; Hoạt động quá nhiều hàng ngày; Mức kali trong cơ thể mẹ thấp; Uống quá nhiều cà phê hoặc dùng nhiều muối.

Sưng mắt cá chân ở thai phụ: Trường hợp nào cần đi khám bệnh?

Bà bầu cần nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế đi lại để tránh áp lực lên chân.

Cách đối phó với mắt cá chân bị sưng

Làm theo các hướng dẫn dưới đây để giảm thiểu sưng mắt cá chân trong khi mang thai:

Giảm và tránh đè ép trọng lực lên đôi chân, cụ thể tránh ngồi và đứng trong một khoảng thời gian dài.

Ngủ nghiêng bên trái sẽ giảm áp lực cho tĩnh mạch chủ bụng. Kê cao chân hơn một chút so với gối kê đầu khi nằm.

Sử dụng tất nén cho chân để giúp máu thoát khỏi vùng mắt cá chân dễ dàng hơn.

Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày như bơi lội và đi bộ sẽ làm cho máu lưu thông tốt hơn.

Chườm lạnh vào khu vực bị sưng.

Thực hiện đi bộ trong nước hoặc bơi đứng được cho có tác dụng giảm đè nén lên chân và mắt cá chân và có thể làm giảm sưng.

Massage chân cũng có thể giúp cho việc lưu thông máu tốt hơn ở chân.

Có một số cách điều trị bổ sung có thể làm giảm bớt sự sưng mắt cá chân

Trị liệu ngoài da bằng tinh dầu thơm: Việc sử dụng các loại tinh dầu như hoa oải hương, hoa cúc và dầu cây bách có thể giúp giảm sưng các mắt cá chân trong thời kỳ mang thai. Bạn có thể ngâm chân trong nước ấm và thêm một vài giọt tinh dầu hoặc massage chân và mắt cá chân nhẹ nhàng từ dưới lên bằng cả hai tay.

Massage nhẹ nhàng trên đôi chân của bạn sẽ giúp thư giãn và giảm sưng. Bạn có thể nhờ một chuyên gia vật lý trị liệu có kinh nghiệm thực hành đối với phụ nữ mang thai.

Khi nào sưng mắt cá chân trong thai kỳ là đáng ngại?

Đa số phụ nữ mang thai sẽ bị sưng mắt cá chân ở những tháng cuối, nhưng cũng có gần 1/4 phụ nữ mang thai không bị sưng chân trong suốt thời gian thai kỳ. Tuy đây là tình trạng khá phổ biến nhưng người phụ nữ mang thai cần đi khám và xin tư vấn của bác sĩ khi thấy các dấu hiệu sau:

Tình trạng sưng phù từ mắt cá chân di chuyển lên trên cẳng chân và khi ấn vào để lại dấu lõm trên da.

Sưng phù diễn ra đột ngột và nghiêm trọng trên mặt, bàn chân hoặc bàn tay thai phụ, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra, nếu kèm tăng huyết áp, đây có thể là dấu hiệu dự báo của tình trạng tiền sản giật.

Chỉ có một chân bị sưng phù và đi kèm với da cẳng chân căng, màu đỏ và sưng, tình trạng này có thể là bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Sưng mắt cá chân ở thai phụ: Trường hợp nào cần đi khám bệnh?

Mát-xa chân phòng tránh sưng phù.

Phòng ngừa sưng mắt cá chân trong thai kỳ

Cơ thể bạn trải qua những thay đổi lớn trong thời kỳ mang thai. Mặc dù những thay đổi này là không thể tránh khỏi nhưng có những biện pháp đơn giản bạn có thể thực hiện để giảm thiểu sưng mắt cá chân.

Tiêu thụ ít caffein: Mặc dù caffein làm lợi tiểu nhưng nó lại kích thích cơ thể cố giữ nước lại để tránh mất nước.

Hạn chế lượng muối trong khẩu phần: Ăn quá nhiều muối sẽ gây giữ nước. Nên giữ lượng muối ăn vào đủ cho hoạt động tối ưu của cơ thể, thường không quá 01 muỗng nhỏ cà phê muối cho 1 ngày.

Mang giày dép thoải mái khi mang thai có thể giảm đau và giảm đè nén lên chân. Nên đi giày mềm, giày đế cao su để giữ cho bạn an toàn khi đi lại và thoải mái.

Tóm lại, mắt cá chân sưng nhẹ trong thời kỳ mang thai là bình thường, cần theo dõi mức độ sưng mắt cá chân và các dấu hiệu khác trong cơ thể trong thời kỳ mang thai để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!