Theo các chuyên gia y tế suy giảm miễn dịch là bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn. Vì vậy, trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh bế tắc, bất hòa do áp lực chăm sóc trẻ.
Các bậc phụ huynh còn khá thiếu kiến thức về tình trạng suy giảm miễn dịch ở trẻ. Ảnh: DN
Suy giảm miễn dịch được chia thành 2 loại, dạng tiên phát bẩm sinh (do gene) và dạng thứ phát do mắc phải (nhiễm HIV, suy dinh dưỡng nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị…).
Hiện trên thế giới có hàng chục nghìn bệnh nhân phải sống chung với căn bệnh này. Tùy theo bản chất loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Được biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi bị suy giảm miễn dịch. Hầu hết tình trạng bệnh đều ở mức nặng do việc phát hiện bệnh khó khăn, các bậc phụ huynh thường đưa trẻ đi chữa trị nhiều nơi tại các phòng khám tư trước khi đến bệnh viện.
Qua lời một bác sỹ tại Khoa Dị ứng- miễn dịch- lâm sàng, bác sỹ này đã chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng về trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
'Cách đây chưa lâu, có bé gái 11 tháng tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội, nhập viện cách đây một tháng, được gia đình đưa đến kKhoa trong tình trạng nguy kịch do viêm phổi tái phát nhiều lần, tiêu chảy kéo dài. Các bác sỹ đã tích cực cấp cứu bằng nhiều biện pháp như: thở máy, truyền dịch, truyền chế phẩm tăng cường miễn dịch, nhưng bé không đáp ứng với bất kỳ biện pháp can thiệp nào và tử vong', vị này nói.
Các chuyên gia y tế khẳng định, để điều trị một số bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hiện nay chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hiểu biết về căn bệnh này của các gia đình còn hạn chế, việc chẩn đoán sớm gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tế còn ít người có kiến thức về bệnh này, vừa qua, Bệnh viện Medlatec đã tổ chức Hội thảo Ứng dụng trong chẩn đoán bệnh miễn dịch- dị ứng với sự tham gia của nhiều y, bác sỹ và người bệnh.
Theo bác sỹ Trịnh Thị Quế- Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Medlatec, hiện có khoảng 80 loại bệnh tự miễn cùng các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Do đó, để phát hiện, chẩn đoán các bệnh liên quan tới miễn dịch sẽ cần tới các kỹ thuật tiến tiến hiện đại.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng nhất giúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao.
Do vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay khi thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch sau đây:
Trẻ mắc từ 4 đợt viêm tai trở lên trong vòng một năm; mắc từ 2 đợt viêm xoang nặng trở lên trong vòng một năm; mắc từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong vòng một năm; sử dụng kháng sinh trong vòng 2 tháng trở lên nhưng không hiệu quả; trẻ chậm lớn, chậm tăng cân nhiều hơn bình thường, phải truyền kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng; mắc từ 2 đợt nhiễm khuẩn sâu hoặc nhiễm khuẩn huyết trở lên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!