Suýt nguy vì tự ý bỏ thuốc

Các bệnh - 05/16/2024

Chị Oanh vốn hay bị ho, khó thở nên chị giữ gìn sức khỏe lắm. Ấy vậy mà dạo này thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường, độ ẩm lại cao nên chị bắt đầu húng hắng ho.

Rồi chị thấy mệt mỏi, ho rít từng cơn, khó thở, tức ngực. Đi khám bệnh, bác sĩ cho biết chị bị hen phế quản. Trong đơn bác sĩ kê, ngoài một số thuốc kiểm soát bệnh còn cho chị uống thuốc ventolin dạng tác dụng kéo dài để dự phòng cơn co thắt.

Đọc hướng dẫn sử dụng, chị thấy ventolin chính là salbutamol... một loại thuốc mà gần đây nghe nói là chất tạo nạc, được sử dụng trong chăn nuôi, gây ung thư... Chị hoảng hốt quá nên bỏ thuốc, nhất định không chịu uống cho dù chồng chị có giải thích thế nào...

Suýt nguy vì tự ý bỏ thuốc

Khi dùng thuốc, cần tuân thủ chỉ đinh của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Hôm sau, cơn ho kéo đến khiến chị rũ rượi, người lả đi vì không thở được. Chồng chị vội đưa chị trở lại phòng khám, may mà phòng khám cũng gần nhà. Lúc bác sĩ xịt thuốc vào họng cho chị thì môi chị đã bắt đầu tím...

Chị Oanh chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân sau khi nghe thông tin sai lệch về chất sabutamol có thể gây ung thư nên bỏ thuốc. Những thông tin này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới qua trình điều trị hen phế quản và có thể dẫn tới tình trạng sức khỏe tồi tệ cho bệnh nhân.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến - Chủ nhiệm Bộ môn, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp - BVTWQĐ 108 cho biết: Ventolin có thành phần hoạt chất là salbutamol, thích hợp cho việc điều trị co thắt phế quản trong bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Ở một số trường hợp có thể gặp tác dụng phụ của thuốc là gây kích thích, tăng nhịp tim, run tay, hiếm gặp hơn là các biểu hiện tác dụng phụ như chuột rút, nổi mề đay, loạn nhịp tim... Chứ chưa từng có một nghiên cứu nào nói rằng chất này gây ung thư. Do vậy, bệnh nhân cần yên tâm điều trị theo đúng chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, không nên nghe những thông tin sai lệch mà bỏ thuốc, làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Nếu gặp một trong các tác dụng phụ khó chịu, hãy trao đổi lại với bác sĩ để có thể thay đổi dạng thuốc dùng tại chỗ như khí dung hay thuốc xịt thì sẽ ít bị tác dụng phụ này hơn.

PGS.Tiến cho biết thêm, khi phải dùng ventolin để cắt cơn, tức là bệnh hen chưa được kiểm soát tốt. Nếu bệnh nhân tùy tiện bỏ thuốc thì sẽ rất nguy hiểm vì có thể bị tử vong do phế quản bị co thắt, bệnh nhân bị khó thở nặng và có thể gặp biến chứng suy hô hấp trong cơn hen cấp...

Thì ra là thế. Chính vì sự hiểu biết không đầy đủ về bệnh và việc uống thuốc nên chị Oanh suýt nữa đã tự hại mình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!