Tác hại của khói thuốc đến trẻ nhỏ và cách phòng tránh

Gia đình và thai kỳ - 05/13/2024

Khói thuốc gây nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Những lời khuyên từ chuyên gia Hello Bacsi sẽ giúp bạn cách phòng chống tác hại của khói thuốc.

Trẻ em sống chung với người hút thuốc sẽ vô tình tiếp xúc hoặc hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc thường đến từ hai nguồn: khói thuốc thụ động và khói thuốc phụ. Khói thuốc thụ động là khói hít phải từ người hút. Khói thuốc phụ bay ra từ đầu điếu thuốc đang cháy và chiếm phần lớn lượng khói thuốc trong một môi trường nhất định. Khói thuốc phụ độc hại gấp 2 đến 3 lần khói thuốc do người hút thải ra vì khói thuốc phụ không hề đi qua đầu lọc khói. Một đứa trẻ nếu ở trong căn phòng có vài người hút thuốc trong khoảng một giờ đồng hồ sẽ hấp thụ nhiều hóa chất độc hại tương đương với một người hút 10 điếu thuốc mỗi ngày. Nhìn chung, trẻ có mẹ hút thuốc hấp thụ nhiều khói thuốc vào cơ thể hơn những trẻ có cha hút thuốc vì thông thường trẻ dành nhiều thời gian để ở bên mẹ hơn. Những trẻ bú sữa từ người mẹ hút thuốc sẽ gặp nhiều nguy cơ nhất bởi hóa chất từ khói thuốc sẽ hòa lẫn bên trong sữa mẹ. Tác hại này cũng tương đương với hóa chất từ khói thuốc bên ngoài môi trường xung quanh bé.

Tác hại đến của khói thuốc đến trẻ em

Trẻ em sống chung nhà với người hút thuốc sẽ có tỉ lệ nhiễm các loại bệnh về đường hô hấp cao hơn bình thường. Các triệu chứng sẽ trầm trọng và kéo dài hơn so với những trẻ sống trong gia đình không có khói thuốc. Tác động của khói thuốc thụ động sẽ tồi tệ hơn trong khoảng 5 năm đầu đời, khi bé dành hầu hết thời gian bên cha mẹ. Càng có nhiều người trong nhà hút thuốc hoặc người đó hút thuốc càng nhiều, triệu chứng bệnh của trẻ sẽ càng trầm trọng hơn. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với những trẻ bị bệnh hen suyễn. Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn, phải thường xuyên đến phòng cấp cứu cũng như gia tăng số lần phải nhập viện. Sau đây là một số hậu quả do khói thuốc thụ động gây ra:

  • Nhiễm trùng tai;
  • Chảy dịch và tắc nghẽn tai trong;
  • Ho hoặc viêm phế quản;
  • Viêm bạch hầu thanh quản hoặc viêm thanh quản;
  • Thở khò khè hoặc viêm tiểu phế quản;
  • Lên cơn hen suyễn;
  • Viêm phổi;
  • Cúm;
  • Cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên;
  • Nhiễm trùng xoang;
  • Viêm họng;
  • Kích ứng mắt;
  • Nguy cơ mắc phải đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Làm thế nào để bảo vệ con bạn khỏi khói thuốc thụ động?

Các phương pháp sau có thể giúp bạn bảo vệ bé khỏi việc hít phải quá nhiều khói thuốc lá.

Từ bỏ hút thuốc

Hãy đăng kí một lớp học hoặc một chương trình hỗ trợ cai thuốc. Nếu bạn đang mang thai, bạn càng cần phải bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt vì khả năng sinh non và nguy cơ xảy ra các biến chứng trong thai kỳ sẽ cao gấp hai lần so với người mẹ không hút thuốc. Khi bạn cho con bú, việc bỏ hút thuốc cũng cực kì quan trọng, vì các hóa chất từ thuốc lá có thể lẫn vào sữa của bạn và ảnh hưởng đến bé bú mẹ.

Không hút thuốc trong nhà

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn khi phải bỏ hút thuốc, nhưng cha mẹ nào cũng có thể thay đổi thói quen xấu này. Hãy hạn chế hút thuốc khi bạn ra khỏi nhà. Nếu bạn cảm thấy muốn hút thuốc ở nhà, hãy hút ngoài sân, ban công hoặc sân thượng. Nếu những lựa chọn này không khả thi đối với bạn, hãy chọn một phòng riêng để hút thuốc. Luôn giữ cửa phòng kín, và mở cửa sổ thường xuyên để không khí trong lành vào phòng. Bạn có thể mặc một loại áo đặc biệt bên ngoài trang phục đang mặc để tránh mùi khói thuốc. Không cho phép con bạn vào phòng này và không được hút thuốc ở bất kì khu vực nào khác trong nhà. Hãy áp dụng quy định này cho cả khách đến thăm nhà.

Không hút thuốc khi đang giữ trẻ

Nếu bạn cảm thấy không thể kiểm soát thói quen hút thuốc của mình thông qua các cách trên, ít nhất hãy bảo vệ con khi bạn đang ở bên cạnh chúng. Việc này sẽ giúp làm giảm tiếp xúc với khói thuốc cũng như giúp trẻ tránh khỏi việc tiếp xúc đầu cháy của khói thuốc. Tuyệt đối không hút thuốc khi có con ở trên xe hoặc khi bạn đang cho bé ăn hoặc tắm. Không được hút thuốc trong phòng ngủ của con. Chỉ cần như vậy thôi là bạn đã phần nào bảo vệ được sức khỏe của con mình.

Tránh để người hút thuốc trông coi con bạn

Hãy tìm hiểu kỹ xem liệu người giữ trẻ bạn đang thuê có hút thuốc hay không, điều này cực kì quan trọng một khi con bạn mắc phải bệnh hen suyễn.

Hãy từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ để bảo vệ an toàn cho sức khỏe con bạn. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp bỏ thuốc lá thích hợp hoặc bạn có thể tham khảo các bí quyết bỏ thuốc lá tại Hello Bacsi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!