Tai nạn đuối nước: Tại sao vẫn cứ xảy ra?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Mỗi năm, ở Việt Nam trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, 372.000 người tử vong do đuối nước mỗi năm trên toàn cầu. Việt Nam được xếp vào khu vực xảy ra nhiều vụ chết đuối, tỷ lệ tử vong chỉ sau những ca thiệt mạng do tai nạn giao thông. Trong đó, nạn nhân có thể ở mọi lứa tuổi, trẻ em chiếm hơn 50%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm.

Thiếu kĩ năng bơi lội

Người không biết bơi sẽ dễ bị động với dòng nước. Việc lúng túng, không biết cách xử lý sẽ làm tăng khả năng bị đuối nước. Người không mang phao càng có nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, nhiều người vội vã xuống bơi mà không khởi động. Việc này dễ gây ra chuột rút khiến người biết bơi cũng có thể tử vong nếu không có người cứu hộ kịp thời.

Tai nạn đuối nước: Tại sao vẫn cứ xảy ra?

Bơi lội ở sông hồ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Bơi lội tại nơi nguy hiểm

Ngày 4/6/2015, anh M. (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) ra hồ Linh Đàm gần nhà để tắm rồi mất tích. Thi thể anh M. được phát hiện vào chiều cùng ngày. Theo một số nhân chứng, họ có trông thấy anh M. bơi một mình với quả bóng. Được biết, một số khu vực của hồ Linh Đàm có mực nước sâu, cơ quan chức năng cắm biển tắm. Tuy vậy, trong những ngày oi bức, nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy để bơi lội, dễ dẫn đến hậu quả xấu.

Trưa 28/5, hồ thuỷ lợi Đắk Liên (Bình Phước) xảy ra một vụ tai nạn đuối nước khiến 4 nữ sinh (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) tử vong, trong đó có 2 chị em. Hồ có diện tích lớn (10 ha), vách thẳng đứng. một số chỗ của hồ có mực nước sâu, ít người qua lại. Điều đáng nói là 7 trẻ nhỏ đã từng chết đuối tại đây. Tuy nguy hiểm như vậy nhưng hồ không có biển cấm, rào chắn, một số người vẫn đến tắm khi trời nóng, tiềm ẩn nguy cơ thiệt mạng.

Tai nạn đuối nước: Tại sao vẫn cứ xảy ra?

Dù biết bơi hay không thì vẫn nên dùng áo phao để đảm bảo an toàn

Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, tuy vậy, không phải nơi nào cũng có thể bơi lội. Nhiều sông, hồ có mực nước sâu, dòng nước mạnh,… dễ gây tai nạn cho người bơi. Ngoài việc người dân bất chấp biển cấm thì nhiều nơi vẫn không làm rào chắn, cắm biển cấm,… tăng khả năng xảy ra các tình huống xấu.

Không có người giám sát

Chiều 19/5, rạch nước suối Sao (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xảy ra một vụ đuối nước khiến 4 cháu nhỏ tử vong. Do trời nóng, các cháu rủ nhau ra rạch nước tắm mà không có người lớn đi cùng rồi bị đuối nước.

Trước đó, ngày 12/4, một vụ đuối nước xảy ra tại xã Xuân Du (huyện Như Thanh, Thanh Hoá) khiến 2 cháu nhỏ (3 tuổi) tử vong. Được biết, trong lúc người lớn ăn cơm, 2 cháu cùng 1 em khác rủ nhau ra ao tắm rồi xảy ra chuyện không may.

Trong cả hai trường hợp trên, các cháu bơi lội mà không có sự giám sát của người lớn. Vì thế, khi bị đuối nước, không có người cứu trợ kịp thời.

Tai nạn đuối nước: Tại sao vẫn cứ xảy ra?

Trẻ nhỏ nên được dạy các kỹ năng bơi lội để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra

Thiếu kĩ năng khi cứu người đuối nước

Ngày 27/2, 5 học sinh cư trú tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến suối Giang Thơm tắm. Lúc tắm, Trương Thị Thùy C. (12 tuổi, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) trượt chân vào hố sâu dưới suối. Trương Thị Thùy V. (16 tuổi, chị gái C.) vội vã nhảy xuống nhưng không biết bơi nên bị nhấn chìm theo. Sau đó, Nguyễn Nhật V. (17 tuổi, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) và Nguyễn Ngọc Quốc V. cũng nhảy xuống cứu bạn nhưng đều bị đuối nước. Khi em Lương Huỳnh N. xuống chỉ cứu được C. và Quốc V.

Việc cứu người là vô cùng quan trọng nhưng cần cách xử lý đúng đắn. Nếu bạn không biết bơi, việc nhảy xuống theo không chỉ không cứu được nạn nhân mà còn hại đến bản thân. Thêm vào đó, càng nhiều nạn nhân đuối nước, khả năng tử vong sẽ càng tăng lên.

Để đảm bảo tính mạng, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi bơi (mang phao, khởi động,…). Bơi ở những địa điểm an toàn, có nhân viên cứu hộ hoặc người dám sát. Quan tâm đến con nhỏ, tuyệt đối không để trẻ tự ý đi bơi, tắm sông cùng bè bạn. Tăng cường nhắc nhở, khuyên bảo để trẻ hiểu được mối nguy hiểm của việc tắm sông, hồ bừa bãi. Khi xảy ra tình huống xấu cần nhanh chóng tri hô để có người đến giúp, không lao xuống theo bạn nếu đuối sức hoặc không biết bơi.

>> Xem thêm: 

Bài 1: Giật mình trước thực trạng đuối nước trong mùa hè

Bài 2: Quặn lòng trước những vụ chết đuối thương tâm

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!