Tại sao không nên ăn đồ nếp khi có vết thương?

Dinh dưỡng - 04/27/2024

Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Hà Nội) tư vấn về vấn đề này.

Tôi rất thích ăn đồ nếp như cơm nếp, xôi, bánh nếp, bánh chưng, nhưng mỗi lần có vết thương, mẹ không cho tôi ăn vì sợ sưng, mưng mủ và sẹo lồi. Điều này có đúng không? (Thu Hà, Hà Đông, Hà Nội).

Tại sao không nên ăn đồ nếp khi có vết thương?

Người bệnh bị mưng mủ thường là người thể hàn nên thức ăn chứa nhiều đạm, có chất dẻo nhiều, khó tiêu, càng làm tình trạng nặng thêm Ảnh: Siamsizzles.

Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Hà Nội) tư vấn:

- Gạo nếp có vị ngọt, tính ấm vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế, có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn.

Gạo nếp có nhiều năng lượng, trong 100 g gạo nếp có 344 kcal (trong khi cùng 100 g gạo tẻ có 350 kcal). Do bản chất hạt dẻo, dính, đồ nếp có độ nén nên so sánh một bát cơm nếp và một bát cơm tẻ, bát nếp sẽ có nhiều cơm hơn. Đó chính là lý do người ta ăn cơm nếp có cảm giác no và béo hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh bị mưng mủ thường là người thể hàn, tích độc nhiều (béo, đờm dãi nhiều) do vậy thức ăn chứa nhiều đạm, có chất dẻo nhiều, khó tiêu như thịt trâu, gạo nếp, thịt chó càng làm tình trạng nặng thêm.

Do đó, nhiều người cho rằng ăn đồ nếp khiến chỗ bị sưng viêm, vết thương mưng mủ.

Ngoài ra, bạn cũng cần biết, gạo nếp có tính ôn ấm nên khi ăn nhiều có thể bị nóng. Đông y khuyến cáo những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng, nên tránh dùng đồ nếp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!