Tại sao lại cấm doping trong hoạt động thể thao?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hậu quả của việc lạm dụng chất cấm như anabolic steroid là mụn, rụng tóc vĩnh viễn, co tinh hoàn ở đàn ông và lông mặt dày, giọng nói trầm ở phụ nữ.

Doping dẫn đến hàng loạt scandal trong làng thể thao mà gần đây nhất là vụ việc ngôi sao quần vợt Maria Sharapova dương tính với chất cấm meldionium. Không chỉ gây ra sự bất công, doping ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.

Theo Ủy ban Chống Doping Hong Kong, bất cứ chất hoặc phương pháp bị cấm nào cũng dẫn đến rủi ro khi sử dụng. Nhìn chung, chúng gây ra sự phụ thuộc về mặt thể chất, tâm lý cùng những hậu quả không thể đảo ngược. Nếu đột ngột ngưng thuốc, vận động viên sẽ xuất hiện triệu chứng cai. Dùng kết hợp nhiều loại càng làm tăng mối nguy hiểm.

Trong số các chất bị cấm hoàn toàn, anabolic steroid phổ biến hơn cả. Chúng bắt chước cơ chế hoạt động của testosterone, kích thích tổng hợp protein, tăng cơ bắp đồng thời thúc đẩy, duy trì các đặc điểm nam tính. Lạm dụng steroid khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gan, huyết áp tăng cao. Bên cạnh đó, những thay đổi về mặt tâm lý, hành vi như tâm trạng thất thường, hung hăng, trầm cảm, phụ thuộc thuốc sẽ kéo đến.

Tại sao lại cấm doping trong hoạt động thể thao?

Cơ thể một vận động viên thể hình bị tàn phá do anabolic steroid (Ảnh: schoolworkhelper.net)

Đối với đàn ông, steroid gây mụn, phát triển mô vú, rụng tóc vĩnh viễn, co tinh hoàn. Phụ nữ sử dụng steroid cũng bị mụn, lông mặt dày và giọng nói trầm. Ở trẻ em, steroid gây ra còi cọc, dậy thì sớm. Một nghiên cứu ở Phần Lan năm 2000 chỉ ra tỷ lệ tử vong của vận động viên cử tạ lạm dụng steroid cao gấp 4 lần người thường.

Chất kích thích như amphetamine và cocaine tác động lên hệ thần kinh trung ương, xua tan mệt mỏi, tăng độ tỉnh táo cùng thành tích thi đấu. Tuy nhiên, chúng gây nghiện ngập, nhịp tim nhanh bất thường, mất nước, cơ thể quá nóng, khô miệng... Một số vận động viên đã tử vong do chất kích thích. Ở Thế vận hội năm 1960 và giải xe đạp Tour de France năm 1967, hai vận động viên xe đạp chết vì đột quỵ và ngừng tim. Quá trình khám nghiệm thử thi cho thấy dấu vết methamphetamine và amphetamine trong cơ thể họ.

Cần sa bị cấm trong thời gian thi đấu vì mang đến cảm giác sảng khoái, thư giãn. Tác dụng phụ của nó bao gồm thay đổi tâm trạng, cảm giác hoang mang lo lắng, suy giảm trí nhớ, viêm phế quản mạn tính; ung thư phổi, miệng, lưỡi và họng; mất thăng bằng, tập trung kém, phản ứng chậm, buồn ngủ và khô miệng.

Ngoài các chất trên, nhóm hoóc-môn peptide dẫn đến bệnh tim, hội chứng ống cổ tay; bàn tay, bàn chân, mặt phát triển bất thường. Nhóm Beta-2 agonists tăng nhịp tim, huyết áp; gây mất ngủ, buồn nôn và run. Thuốc lợi tiểu khiến cơ thể mất nước, chuột rút cơ bắp, giảm thể tích máu, mất cân bằng điện giải nghiêm trọng.

Bất chấp những hậu quả cùng sự cấm đoán, đến nay doping vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Một vài chuyên gia đề nghị nên cho phép vận động viên sử dụng doping để kiểm soát liều lượng hơn là lén lút, từ đó xảy ra những sự cố đáng tiếc. Số khác lại quả quyết thể thao tôn vinh tính trung thực nên mọi hành vi nhờ cậy thuốc đều không thể chấp nhận...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!