Tâm thư day dứt nỗi niềm của gần 600 cán bộ dân số Thanh Hóa

Thời sự - 11/24/2024

Dành nhiều năm tuổi thanh xuân, 559 cán bộ bán chuyên trách dân số cấp xã không quản ngại công sức lăn lộn với phong trào. Công việc vất vả, thu nhập thấp nhưng các chị, các anh vẫn đi từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động. Vậy mà giờ đây họ chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.

Tâm thư day dứt nỗi niềm của gần 600 cán bộ dân số Thanh Hóa

Cán bộ dân số xã tại huyện Hoằng Hóa bị mất việc đang trong tâm trạng buồn bã, hy vọng được trở lại công việc một cách sớm nhất. Ảnh:Gia Hân

Tương lai về đâu?

Công tác DS-KHHGĐ tại Thanh Hóa trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng: Quy mô dân số trong tầm kiểm soát, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng dân số được nâng lên đáng kể.

Nhiều chỉ tiêu về dân số năm 2019 được cải thiện so với năm 2015: Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,5 tuổi lên 74 tuổi, tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên từ 116 bé trai/100 bé gái xuống 114 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân dưới 1% mỗi năm, tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,75 con/phụ nữ xuống 2,54 con/phụ nữ; số người được cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Để đạt được kết quả khả quan trên, một phần rất quan trọng là nhờ vào hệ thống cán bộ dân số tương đối đầy đủ từ tỉnh đến huyện, xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ dân số xã-PV) và cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên đến đầu năm 2020, tất cả cán bộ dân số xã nhận được thông báo trước sự ngỡ ngàng, buồn tủi, hoang mang và bức xúc: Họ buộc phải nghỉ việc vì Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 12/12/2019 không còn chức danh cán bộ dân số xã. Gần 600 con người đang công tác trong lĩnh vực dân số bị bỏ rơi, bơ vơ không có việc làm.

Tâm thư day dứt nỗi niềm của gần 600 cán bộ dân số Thanh Hóa

Chị Hoàng Thị Thơm: 'Cả tuổi thanh xuân lăn lộn với công tác; bao nhiêu công sức, tâm huyết xem như đổ sông, đổ biển'.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Hoàng Thị Thơm (SN 1974, cán bộ bán chuyên trách dân số xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) cho biết: 'Tôi làm công tác dân số từ năm 2009, lúc đó chỉ có 180.000 đồng/tháng và cuộc sống gia đình dựa vào hơn 1 mẫu ruộng. Bản thân tôi luôn tự động viên cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với hi vọng một ngày nào đó được vào biên chế. Do đặc thù ở quê ban ngày các chị, các mẹ đi làm ruộng nên luôn phải tranh thủ thời gian vào buổi tối để đi vận động, tuyên truyền về chính sách dân số. Sau quá trình công tác bản thân thấy yêu nghề, xác định gắn bó đến lúc về hưu nên đã cố gắng vay mượn đi học Trung cấp chính trị, quản lý về dân số, đại học quản lý nhà nước...'.

Chị Thơm cho biết thêm, đầu năm nay được Chủ tịch UBND xã gọi lên thông báo nghỉ việc. 'Tôi vô cùng hụt hẫng. Cả tuổi thanh xuân lăn lộn với công tác, bao nhiêu công sức, tâm huyết xem như đổ sông, đổ biển. Áp lực gia đình, hàng xóm không hiểu chuyện dị nghị khiến bản thân vô cùng tủi hổ', chị Thơm nghẹn ngào nói.

Cùng chung tâm sự, chị Lê Thị Bình (SN1983, cán bộ dân số xã Hoằng Hợp) nói: 'Chúng tôi nhận được thông báo nghỉ việc từ ngày 1/1/2020 của Chủ tịch UBND xã, không có bất cứ chế độ, ưu đãi nào, cả buổi liên hoan chia tay nho nhỏ bằng bánh kẹo cũng không có. Cơ chế do con người tạo ra, sao lại ứng xử với chúng tôi vậy? Không được ý kiến, không đả thông tư tưởng khiến mọi người vừa tủi thân, vừa xấu hổ với hàng xóm. Với đồng lương ít ỏi từ năm 2018 được hưởng phụ cấp bằng 0,7 mức lương cơ bản, để có việc làm, tôi đã phải đi vay mượn học hoàn thiện bằng cấp theo yêu cầu, giờ số nợ trên vẫn còn. Năm 2018, tôi học xong thì mất việc. Chồng làm thợ xây, nhà 2 con nhỏ, đi xin làm công ty thì họ không nhận vì có tuổi. Thực sự cảm thấy bất lực, không biết tương lai của mình sẽ như thế nào?'.

Bức tâm thư day dứt

Tâm thư day dứt nỗi niềm của gần 600 cán bộ dân số Thanh Hóa

Chị Lê Thị Bình: 'Thực sự cảm thấy bất lực, không biết tương lai của mình sẽ như thế nào?'.

Mới đây nhất 10 cán bộ dân số huyện Lang Chánh đồng loạt ký vào đơn gửi tới lãnh đạo cấp cao giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, khát khao được cống hiến cho công tác dân số nhưng giờ đang rơi vào tuyệt vọng, bế tắc không lối thoát.

Họ là những cán bộ bán chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp 0,7 mức lương cơ bản, tức chưa nổi 1 triệu đồng/ tháng. Công tác ở huyện miền núi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các chị đã gắn bó với nghề hàng chục năm, có người gần 16 năm và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi vì yêu nghề, vì thấy nghề dân số rất thiết thực đối với sự phát triển của địa phương, của đất nước. Nếu trước kia các hộ gia đình sinh con vô tội vạ, tình trạng nạo phá thai, hôn nhân cận huyết thống, bất bình đẳng giới... thường xuyên xảy ra thì hiện nay các vấn đề nhức nhối trên đã được cải thiện vượt bậc. Chị em được tiếp cận với các dịch vụ phòng tránh thai, được chăm sóc sức khỏe sinh sản, việc sinh con thứ 3 rất ít, tình hình dân số ổn định về mọi mặt.

Những kết quả trên không thể phủ nhận công lao to lớn của cán bộ dân số và đội ngũ cộng tác viên, họ đã phải băng rừng, lội suối đến từng bản, làng để tuyên truyền, vận động. Phía sau những vất vả, khổ cực ấy luôn luôn thường trực sự hi vọng và chờ đợi để rồi giờ đây phải thốt lên những lời cay đắng trong tâm thư: '…Sau hơn mười mấy năm công tác, cống hiến, tin tưởng và chờ đợi thì chính quyền tỉnh đã 'bỏ rơi' chúng cháu - những cán bộ dân số tuyến xã... Chúng cháu những con người bằng xương, bằng thịt, đã dùng cả tuổi trẻ, thanh xuân để cống hiến, để rồi giờ bị 'bỏ rơi' không một lời giải thích thỏa đáng, có những người đã ngoài 40-50 tuổi, việc kiếm ngành nghề khác để mưu sinh là gần như không thể. Chúng cháu viết tâm thư này cho các bác trong tâm trạng rất buồn, rất hụt hẫng, rất mất niềm tin và chán nản. Chính quyền tỉnh nhà tạo cho chúng cháu niềm tin, hi vọng và cả khát khao được cống hiến cho công việc nay họ lại dập tắt nó…' - những dòng tâm sự nặng trĩu được các anh chị em viết trong bức tâm thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế.

Chị Lữ Thị Bảy (SN 1984, cán bộ dân số xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) xác nhận: 'Bức tâm thư của 10 anh, chị em mới gửi đến các cấp lãnh đạo sau khi bị đồng loạt cho nghỉ việc. Trước đó chúng tôi cũng đã cùng ký đơn gửi Bộ Y tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và các ban ngành liên quan'. Chị Bảy cho hay, sau khi kiện toàn lại năm 2011 chị được vào làm công tác dân số tại xã. Cũng trong năm đó, chị được cơ cấu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Chị Bảy chia sẻ: 'Trong quá trình làm việc tương đối bận rộn nhưng cả hai công việc đều bổ trợ cho nhau, tôi đã cố gắng đi học các bằng cấp cho chuẩn với ngành nghề được giao. Sau đó tôi xin rút khỏi vị trí Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã để toàn tâm làm bên dân số mong một ngày nào đó được vào biên chế. Giờ mất việc đành phải bươn trải bán hàng kiếm sống qua ngày. Mong sao các cơ quan chức năng sớm có chính sách tuyển dụng, để chúng tôi có một tương lai vững chắc'.

Trên đây là những tâm sự của những người trong cuộc trong tổng số 559 cán bộ bán chuyên trách của tỉnh Thanh Hoá phải nghỉ việc do Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 12/12/2019 không còn chức danh cán bộ dân số xã. Hiện Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có báo cáo và đề xuất về tổ chức bộ máy công tác dân số với UBND tỉnh Thanh Hoá. Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!