Tiếp vụ 559 cán bộ dân số xã mất việc ở Thanh Hóa: Mong muốn địa phương giải quyết thấu đáo, vừa hợp lý vừa hợp tình

Thời sự - 11/24/2024

Tổng cục Dân số mong muốn tỉnh Thanh Hóa giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và xem xét từ thực tiễn đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở tuyến xã đối với công tác dân số của địa phương trong suốt thời gian vừa qua.

Khó hoàn thành các mục tiêu nếu khuyết đội ngũ làm công tác dân số tuyến xã

Việc 559 cán bộ dân số cấp xã ở Thanh Hóa đột ngột bị mất việc (do Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 12/12/2019 không còn chức danh cán bộ dân số xã) đã khiến bộ máy tổ chức làm công tác dân số của địa phương này bị xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về DS-KHHGĐ tại Thanh Hóa trong thời gian tới.

Đề cập đến vai trò của đội ngũ làm công tác dân số ở tuyến xã, ThS Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: Thực tế trong hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên cả nước, đội ngũ dân số ở cơ sở, trong đó có cán bộ dân số ở tuyến xã đã có những đóng góp rất lớn vào thành công chung của sự nghiệp dân số.

Họ là những người 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng dân cư; cung cấp các phương tiện tránh thai, tham mưu với lãnh đạo tổ chức thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở các địa phương… Nói thế để thấy, đây là một lực lượng rất quan trọng trong hệ thống đội ngũ làm công tác dân số.

Tiếp vụ 559 cán bộ dân số xã mất việc ở Thanh Hóa: Mong muốn địa phương giải quyết thấu đáo, vừa hợp lý vừa hợp tình

Cán bộ bán chuyên trách tư vấn, truyền thông về công tác dân số tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh: Gia Hân

Theo ThS Lương Quang Đảng, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Do đó, việc ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, nhất là ở tuyến cơ sở càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự thành, bại của công tác dân số ở nước ta trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tại Thanh Hóa – địa phương vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác dân số như mức sinh cao (2,54 con/phụ nữ); tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng; già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh… thì việc bộ máy cơ sở bị xáo trộn, khuyết đội ngũ dân số ở cấp xã sẽ khiến công tác dân số tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn và rất khó để thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra.

Tận dụng một cách tối đa đội ngũ cán bộ dân số cơ sở

Tiếp vụ 559 cán bộ dân số xã mất việc ở Thanh Hóa: Mong muốn địa phương giải quyết thấu đáo, vừa hợp lý vừa hợp tình

ThS Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế).

Theo ThS Lương Quang Đảng, gần đây, Tổng cục Dân số có nhận được đơn thư kiến nghị của một số cán bộ dân số cấp xã của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi xem xét đơn thư của đội ngũ cán bộ này, phía Tổng cục Dân số đã trao đổi với tỉnh Thanh Hóa và thống nhất chuyển đơn thư về địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

'Tổng cục Dân số mong muốn tỉnh Thanh Hóa giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và xem xét từ thực tiễn đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở tuyến xã đối với công tác dân số của địa phương trong suốt thời gian vừa qua, sao cho vừa hợp lý vừa hợp tình', ThS Lương Quang Đảng cho biết.

ThS Lương Quang Đảng cho biết thêm, phía Tổng cục Dân số đã có công văn gửi tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này. Trong đó, Tổng cục đã đưa ra một số đề xuất để địa phương có thể xem xét trong quá trình xử lý. Cụ thể, Tổng cục Dân số đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Y tế giao nhiệm vụ thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở xã cho Trạm Y tế và yêu cầu bố trí viên chức của Trạm thực hiện công tác này theo Công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng viên chức làm công tác dân số của Trạm Y tế cấp xã, Tổng cục mong muốn Sở Y tế quan tâm tuyển dụng những viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, ưu tiên những người đã có thời gian tham gia làm công tác dân số cấp xã vì đây là những người đã có kinh nghiệm trong việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác dân số tại địa phương.

Cùng với đó, quan tâm bố trí công việc khác cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ khi cho thôi việc. Trong trường hợp những người không đủ tiêu chuẩn để tham gia công tác, Tổng cục Dân số đề nghị cần có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ này vì đây là những người đã có đóng góp không nhỏ cho công tác dân số của địa phương trong những năm qua.

'Tổng cục Dân số chỉ đưa ra những gợi ý, đề xuất. Quyết định vẫn thuộc thẩm quyền của địa phương', ThS Lương Quang Đảng nhấn mạnh.

Lý giải cơ sở để đưa ra những đề xuất trên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lương Quang Đảng cho biết: Sở dĩ Tổng cục Dân số mong muốn địa phương ưu tiên tuyển dụng những người có thời gian tham gia làm công tác dân số ở xã vào vị trí viên chức Trạm Y tế vì đội ngũ này có chuyên môn về công tác dân số, am hiểu phong tục tập quán ở địa phương và quan trọng là họ biết cách tuyên truyền một cách dễ hiểu để người dân thực hiện về công tác dân số.

Trong khi đó, nếu tuyển dụng người chưa từng làm công tác dân số, đương nhiên sẽ mất một khoảng thời gian để người mới làm quen, tiếp cận và tìm hiểu các công việc liên quan đến công tác dân số. Như vậy, nếu so sánh, rõ ràng, tuyển người có bề dày kinh nghiệm làm dân số vẫn có lợi thế hơn.

'Chúng tôi mong muốn rằng, ở Thanh Hóa, trong điều kiện, khả năng và bằng một cách nào đó, có thể xem xét tận dụng một cách tối đa đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở này để giúp thực hiện công tác dân số đạt hiệu quả nhất', ThS Lương Quang Đảng nói.

Thực hiện Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa 'về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức thù lao đối với Chủ tịch các hội đặc thù ở cấp xã; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa', trong số các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã không còn chức danh cán bộ làm công tác DS- KHHGĐ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú đã ký Công văn số 453/TCDS-TCCB gửi ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết đơn, thư kiến nghị của chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã tỉnh Thanh Hóa.

Theo Tổng cục Dân số, để từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cũng như không làm ảnh hưởng đến tâm tư của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, Tổng cục Dân đề nghị tỉnh Thanh Hóa trong quá trình tuyển dụng viên chức làm công tác dân số của Trạm Y tế cấp xã quan tâm tuyển dụng những viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, ưu tiên những người đã có thời gian tham gia làm công tác dân số cấp xã vì đây là những người đã có kinh nghiệm trong việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác dân số tại địa phương.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!