Để tăng cường hệ miễn dịch, thực phẩm ăn uống hàng ngày đã đóng góp một phần khá quan trọng.Vì vậy chúng ta cần biết vấn đề này để thực hiện việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp và cần thiết.
Con người có cơ chế phòng vệ tinh vi, có khả năng thích ứng theo thời gian để có thể nhận diện ra các loại mầm bệnh cụ thể và có hiệu quả hơn. Để tăng cường hệ miễn dịch, những loại thức ăn và đồ uống sử dụng hàng ngày đã đóng góp một phần rất lớn cho vấn đề này bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, kẽm, beta-carotene, omega-3, kháng thể...
Thực phẩm giàu vitamin C
Ai cũng biết rằng vitamin C là một chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể, có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường bảo vệ cơ thể một cách tự nhiên khá hiệu quả. Theo đó, vitamin C có khả năng chống lại các gốc tự do làm ảnh hưởng hư hại đến hệ miễn dịch. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ tích cực và thúc đẩy quá trình sản xuất ra các tế bào bạch cầu của máu, đây là cơ sở để giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Đồng thời các nhà khoa học cho rằng vitamin C cũng rất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch đối với những người thường xuyên bị stress. Nguồn vitamin C này không được sản xuất và lưu trữ trong cơ thể mà phải được cung cấp từ các loại thực phẩm ăn uống bổ sung hàng ngày giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, ớt đỏ, ớt xanh, bông cải xanh, dâu tây... Trên thực tế, loại ớt chuông đỏ chứa hàm lượng vitamin C gấp đôi quả cam hay quả quýt; bên cạnh đó chúng cũng là nguồn cung cấp chất beta-carotene khá phong phú giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Thực phẩm giàu vitamin E
Các nhà khoa học cho rằng việc bổ sung, duy trì vitamin E từ các nguồn thực phẩm giàu vitamin E rất cần thiết và quan trọng để giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt đối với những người cao tuổi.
Trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, một kết quả nghiên cứu đã thông báo việc bổ sung vitamin E mỗi ngày trong 235 ngày mỗi năm giúp các khả năng miễn dịch khác nhau của con người được tăng cường một cách đáng kể; và tốt nhất là nên bổ sung vitamin E với hàm lượng 200mg/ngày. Đồng thời nếu bổ sung vitamin E với hàm lượng khoảng 100 đến 400 mg mỗi ngày cũng giúp giảm các nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Những thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch thuộc nhóm này như dầu thực vật, bơ thực vật, các loại quả hạch, hạt hướng dương... thường giàu chất béo, vì vậy không thể dùng một lượng lớn để có đủ vitamin E trong chế độ ăn uống lành mạnh bình thường, nhất là người thực hiện chế độ ăn ít chất béo. Vì vậy cần lưu ý vấn đề này để điều chỉnh sang loại thực phẩm khác.
Thực phẩm giàu chất kẽm
Kẽm là một khoáng chất cần thiết của cơ thể giúp cho sự phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ miễn dịch vì chúng có liên quan đến sự sản xuất và tạo lập chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch. Kết quả nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia của Mỹ, ghi nhận rằng nếu hàm lượng chất kẽm trong cơ thể thấp có thể làm cho chức năng miễn dịch bị suy giảm với bằng chứng là những bệnh nhân thiếu chất kẽm sẽ bị rối loạn miễn dịch nghiêm trọng và tử vong do thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng khi còn rất trẻ, chỉ mới 25 tuổi.
Các loại thực phẩm giàu chất kẽm gồm con hàu, hạt điều, hạt đậu xanh, hạt hạnh nhân...
Thực phẩm giàu beta-carotene
Beta-carotene cũng là một chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Beta-carotene không phải là một chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng vitamin A, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch, là sản phẩm của quá trình chuyển đổi của beta-carotene trong cơ thể lại cần thiết.
Việc bổ sung beta-carotene từ chế độ ăn uống là một ưu điểm vì cơ thể sẽ chuyển đổi nhiều hay ít tùy theo nhu cầu cần thiết. Từ những vấn đề được ghi nhận, sử dụng thực phẩm giàu chất beta-carotene để tăng cường hệ miễn dịch là sự lựa chọn an toàn. Các loại thực phẩm giàu chất beta-carotene gồm quả mơ, măng tây, bông cải xanh, cà rốt, bắp cải, cây hẹ, lá bồ công anh, bưởi, cải xoăn, cà chua, bơ thực vật, cây hành, đậu Hà Lan, quả ớt, mận, bí ngô, rau bina, bí đao, khoai lang...
Thực phẩm giàu Omega-3
Omega-3 là một acid béo cần thiết cho cơ thể với khả năng giúp ức chế tình trạng viêm nhiễm và kiểm soát hệ thống miễn dịch. Mặc dù trên thực tế chưa biết rõ omega-3 có khả năng giúp chống lại một số trường hợp nhiễm trùng gây bệnh thông thường hay không nhưng qua kết quả nghiên cứu ghi nhận chúng có thể bảo vệ cơ thể chống lại rối loạn của hệ miễn dịch gây bệnh viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp...
Cũng như một số chất cần thiết khác, cơ thể không thể sản xuất được omega-3 mà phải được bổ sung từ các loại thực phẩm khác nhau để tăng cường hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm giàu chất omega-3 gồm các loại cá xoa hay cá có chứa nhiều chất dầu như cá mồi, cá mòi, cá trích, cá cơm, cá thu, cá hồi... Ở các loại cá này, trong mô tế bào cũng như ở khoang bụng và chung quanh ruột có chứa chất dầu với nhiều omega-3. Ngoài nguồn cung cấp chất omega-3, các loại cá có chất béo hay chất dầu còn có khả năng chứa nhiều vitamin A và vitamin D nữa, trong đó có vitamin A là chất giúp tăng cường hệ miễn dịch như đã nêu ở trên.
Thực phẩm giàu kháng thể tự nhiên
Đó là những thực phẩm giàu Phytonutrients (các hợp chất dinh dưỡng tự nhiên được tìm thấy trong thực vật) như rau, trái cây nhất là trái mọng (việt quất, mâm xôi, chuối, dưa hấu, anh đào), ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu… Các hợp chất thực vật này có lợi khi cung cấp các chất chống oxy hóa hay chống viêm thiết yếu nhằm ngăn ngừa hoặc giảm viêm mạn tính - một yếu tố nguy cơ chính trong một loạt các vấn đề sức khỏe và một số bệnh nghiêm trọng. Thường xuất phát từ các yếu tố như lối sống căng thẳng và thiếu tập thể dục, hệ thống miễn dịch không chỉ giải phóng các hóa chất chống lại chấn thương và vi khuẩn hay virus, mà ngay cả khi không có kẻ xâm lược từ bên ngoài, dẫn đến viêm mạn tính.
Các chất phytonutrients phổ biến bao gồm carotenoids như lutein, flavonoid, coumarin, indoles, isoflavone, lignans, organosulfures và sterol thực vật.Nhiều chất phytonutrients có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn ngừa thiệt hại cho các tế bào trên khắp cơ thể. Thực phẩm giàu phytonutrients sẽ ảnh hưởng đến mức độ viêm trong cơ thể, hạn chế viêm mạn tính và giúp giảm nguy cơ hoặc hỗ trợ điều trị các tình trạng sau: dị ứng, Alzheimer, viêm khớp, hen suyễn, ung thư, trầm cảm, đái tháo đường, gút, bệnh tim, bệnh viêm ruột, đột quỵ…
-Theo các chuyên gia y tế, dinh dưỡng vẫn đóng một vai trò then chốt trong tăng cường sức khỏe toàn thân. Bên cạnh bữa chính, chúng ta có thể bổ sung các bữa ăn phụ với chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe.
- Nếu chỉ ăn uống một loại thực phẩm đơn thuần và liên tục sẽ không đủ điều kiện có hệ miễn dịch khỏe mạnh chống lại các bệnh tật mà phải nên phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm lại với nhau. Lưu ý việc hấp thu các chất thiết yếu này từ các loại thực phẩm phải phù hợp với nhu cầu của cơ thể, không nhiều quá và cũng không ít quá, cần cân đối theo bữa ăn hàng ngày hợp lý và lành mạnh. Thực tế có nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng chúng được xếp vào các nhóm với chất giàu hàm lượng cần thiết; do đó tùy theo điều kiện kinh tế và dinh dưỡng để chọn lựa phù hợp.
-l Ngoài các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, con người cần phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe bằng cách luyện tập thể dục thường xuyên, kiểm soát tình trạng tâm lý, bảo đảm giấc ngủ cần thiết... để hỗ trợ thêm cho hệ miễn dịch chống lại các loại bệnh tật.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!