Tăng đường huyết và đái tháo đường ở thai phụ

Kỹ năng sống - 11/24/2024

ĐTĐ thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường (có rối loạn dung nạp chất đường) sau khi cho uống đường glucose.

Đái tháo đường (ĐTĐ) bao gồm hai loại bệnh lý: ĐTĐ được biết trước khi có thai gọi là người có ĐTĐ mang thai, hoặc chỉ xuất hiện lúc đang có thai gọi là ĐTĐ thai kỳ.

A. ĐTĐ thai kỳ

ĐTĐ thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường (có rối loạn dung nạp chất đường) sau khi cho uống đường glucose. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện, sẽ biến mất sau 6 tuần sau khi sinh.

ĐTĐ thai kỳ chiếm tỷ lệ từ 1,5-6% tổng số phụ nữ có thai, có nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách.

I. Đối tượng có nguy cơ bị ĐTĐ thai kỳ:

1. Tiền căn bản thân:

- Đã từng bị ĐTĐ thai kỳ ở những lần mang thai trước.

- Tiền căn sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết trong tử cung không rõ nguyên nhân.

- Sinh con trên 4kg.

- Sinh con trước có dị tật bẩm sinh.

- Nhiễm độc thai ở lần mang thai trước.

. Tiền căn gia đình:

2. Tình trạng thai kỳ lần này:

- Sản phụ uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu có đường, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần.

- Mẹ mập phì, tăng cân nhiều và nhanh (> 20kg).

- Mẹ lớn hơn 35 tuổi, nước ối nhiều, thai to.

Tất cả những phụ nữ có thai thuộc diện trên đều nên đến khám bệnh ở chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó vào giữa tuần 24 – 28.

II. Hậu quả:

1. Đối với mẹ:

- Nguy cơ mổ lấy thai cao.

- Dễ bị cao huyết áp, phù tay, phù chân, tiền sản giật.

- Nhiễm trùng tiểu.

2. Đối với thai nhi - trẻ sơ sinh:

- Thai to, sinh khó, dễ bị chấn thương khi sinh.

- Hạ đường huyết, hạ canxi máu, bệnh đa hồng cầu, vàng da khi sinh.

- Tăng nguy cơ sinh non, suy hô hấp và tử vong chu sinh.

Tăng đường huyết và đái tháo đường ở thai phụ

Ảnh minh họa

III. Các điều nên làm:

1. Khám hoặc được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

2. Theo dõi đường huyết khi đói và sau ăn 2 giờ thường xuyên và chặt chẽ.

3. Chế độ ăn: ăn theo chế độ ĐTĐ nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mẹ và thai, thức ăn giàu canxi (sữa), chất sắt (thịt), acid folic (rau xanh, quả có màu vàng). Đường huyết có khuynh hướng cao nhất sau bữa ăn sáng cho nên sau ăn sáng sản phụ nên đi bộ tốc độ nhanh trong vòng 20 phút giúp bạn ngừa được đường huyết tăng cao. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ giúp bạn thành lập thực đơn thích hợp dựa vào cân nặng, giai đoạn mang thai và thói quen ăn uống.

4. Dùng Insulin: nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhẹ nhàng không kiểm soát tốt đường huyết thì phải điều trị bằng insulin dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

5. Tập thể dục nhẹ nhàng là điều cần thiết:

- Giúp giảm stress.

- Cải thiện sức khỏe và sức dẻo dai.

- Kiểm soát cân nặng.

- Giúp hồi phục cơ thể sau khi sinh.

IV. Theo dõi:

- Các bà mẹ ĐTĐ thai kỳ trong tương lai có thể bị ĐTĐ týp 2 với tỷ lệ 30 – 60% trong vòng 5 – 10 năm và thường bị ĐTĐ thai kỳ tái phát ở lần mang thai kế tiếp.

- Sau sinh nên đặt vòng tránh thai. Chỉ được phép có thai trở lại sau khi đường huyết ổn định và cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

- Những trẻ sinh ra từ mẹ ĐTĐ thai kỳ trong 10 – 20 năm sau có thể mập phì và ĐTĐ týp 2. Do đó cần được tư vấn bởi các bác sĩ nội tiết để sớm phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ thật sự xuất hiện về sau.

B. Người mắc bệnh ĐTĐ mang thai

Tình trạng những phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ và đang được điều trị bệnh ĐTĐ bằng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết nay có thai.

I. Nguy cơ:

1. Với mẹ:

- Rối loạn chuyển hóa:

• Do thay đổi chuyển hóa đường từ lức mang thai cũng như tác dụng của nội tiết tố của bánh nhau, thai nghén là một tình trạng sinh ĐTĐ.

• Biến chứng hạ đường huyết: dễ xảy ra 3 tháng đầu.

• 3 tháng giữa và 3 tháng cuối: ảnh hưởng của nội tiết tố bánh nhay gây đề kháng cao với insulin dễ bị nhiễm ceton máu.

• Tất cả những rối loạn trên đều nguy hiểm cho mẹ và con.

- Biến chứng thoái hóa:

• Mắt: mang thai có thể gây bệnh ở đáy mắt. Nếu trước khi mang thai có bệnh võng mạc thì sẽ bị nặng hơn và có thể dẫn đến mù mắt.

• Thận và huyết áp: nếu đã có biến chứng nặng ở thận và huyết áp cao không kiểm soát được thì không nên có thai, vì dễ gây tiền sản giật ở mẹ, thai bị suy dinh dưỡng và có thể chết trong tử cung.

- Rối loạn khác:

• Tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén (gấp 4 lần so với người bình thường).

• Nhiễm trùng dễ gây ra và dễ bị nặng hơn (nhiễm trùng tiểu).

• Có nguy cơ mổ lấy thai cao và phẫu thuật nguy hiểm hơn so với người bình thường.

• Dễ bất dung nạp đường sau khi sanh.

• Tình trạng thai to, nhiều ối có thể rối loạn hô hấp tuần hoàn cho mẹ.

2. Với con:

- Nếu thời gian trước khi mang thai và 8 tuần đầu của thai kỳ đường huyết của mẹ không kiểm soát tốt, thai nhi dễ bị dị dạng và có nguy cơ tử vong chu sinh đến 50%, kiểm soát đường huyết của mẹ không tốt sẽ gây sẩy thai tự phát.

- Thai to trên 4 kg gây sinh khó, dễ bị chết khi sinh: gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay.

- Thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, dễ sinh non do bị nhiễm độc thai, suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi.

- Trẻ dễ bị tiểu đường di truyền.

- Dễ bị thiểu năng tâm thần - thần kinh.

Muốn phòng ngừa và giảm bớt các rối loạn nêu trên, bệnh nhân ĐTĐ trước khi muốn có thai nên đến các phòng khám nội tiết để khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

II. Điều nên làm:

- Phụ nữ bị bệnh ĐTĐ trước khi muốn có thai nên kiểm soát tốt đường huyết trong vòng 3 – 6 tháng để giảm nguy cơ dị tật cho thai nhi. Đường huyết nên duy trì ≤ 120mg%.

- Khám thai mỗi tháng trong 6 tháng đầu, sau đó 15 ngày 1 lần.

- Theo dõi cân nặng, huyết áp mỗi lần khám.

- Thường xuyên theo dõi và kiểm soát đường huyết, duy trì đường huyết khi đói 90mg/dl, sau khi ăn 2 giờ < 120mg/dl.

- Khám mắt 3 tháng 1 lần.

- Chế độ ăn theo chế độ ĐTĐ bình thường nhưng đảm bảo năng lượng cho mẹ và con, thức ăn giàu canxi, sắt, acid folic.

- Tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa để hỗ trợ cho việc kiểm soát đường huyết tốt.

- Thuốc: insulin là bắt buộc, mặc dù trước đó dùng thuốc uống có kết quả tốt. Tiêm insulin với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi chăm sóc mẹ và thai nhi cần có sự kết hợp giữa bác sĩ chuyên khoa nội tiết - sản khoa – nhi khoa.

III. Kết luận:

Nhờ vào sự tiến bộ trong việc theo dõi và chăm sóc sản khoa cũng như dùng insulin để điều trị ĐTĐ cho sản phụ, bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và týp 2 đều có thể mang thai được an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!