Tảo hôn: Phép nước thua lệ nhà

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Còn rất nhiều vùng miền trên khắp thế giới vẫn còn tục lệ tảo hôn, thậm chí, trẻ mới hơn 10 tuổi đã bị bố mẹ ép lấy vợ, lấy chồng.

Tư tưởng lạc hậu vẫn tồn tại

Gần đây, câu chuyện về bé gái 13 tuổi ở Ấn Độ bị bố mẹ bắt lấy chồng nhận được sự quan tâm của dư luận khắp thế giới. Bố mẹ cho rằng nếu em lớn hơn sẽ khó có người lấy. Bé gái đã phải viết thư cầu cứu hiệu trưởng nhờ can thiệp vì em muốn được tiếp tục đi học, muốn được kết hôn sau 18 tuổi.

Điều này giúp chúng ta nhìn lại thực trạng tảo hôn ở Việt Nam. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các dân tộc miên núi, dân tộc thiểu số ít người, các vùng quê… nơi mà việc tiếp xúc với cộng đồng còn bị hạn chế. Các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại khiến nạn tảo hôn vẫn diễn ra. Từ đó, tình trạng phá thai, tỷ lệ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh cũng trở nên nhiều hơn.

Tảo hôn: Phép nước thua lệ nhà

Những bé gái Ấn Độ phản đối việc kết hôn sớm

Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam có quy định nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Thế nhưng, dù báo chí, hội phụ nữ hay các đoàn thể… đều đã lên tiếng phản ánh, tuyên truyền, cũng như vận động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn.

Bởi dường như đối với nhiềungười họ vẫn nghĩ rằng con gái phải lấy chồng sớm; 18 tuổi đã là muộn tuổi chồng con; gả con sớm vì gia cảnh khó khăn; lấy vợ sớm cho con để gánh vác chuyện nhà chồng…

Ảnh hưởng xấu toàn diện tới trẻ

Phải kết hôn sớm, trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe mà còn về tinh thần.

Sức khỏe:

Do kết hôn sớm, đối với các bé gái, bộ phận sinh dục vẫn chưa phát triển hết. Cộng với thiếu kiến thức trong việc chăm sóc mang thai nên dễ sinh non, con bị dị tật,... Những bà mẹ nhí này cũng có nguy cơ tử vong cao trong lúc mang thai hoặc chuyển dạ do không được quan tâm đúng mức.

Tảo hôn: Phép nước thua lệ nhà

Nhiều bé gái bị ép lấy chồng, trong đó có lý do gia đình nghèo khó hoặc gán nợ

Kinh tế:

Kết hôn sớm, sinh con nhiều nên khả năng kiếm sống và chia sẻ kinh tế cho gia đình của các bà mẹ trẻ là ít. Điều này chỉ càng làm tăng thêm sự nghèo đói cho những gia đình tảo hôn.

Tinh thần:

Kết hôn sớm đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không được đi học, không được vui chơi với các bạn đồng trang lứa, phải lo nghĩ cho gia đình. Kiến thức trong việc chăm sóc và nuôi dạy con các em cũng thường không có.

Những đứa trẻ có bố mẹ trẻ con không được chăm lo đầy đủ về sức khỏe và nhận thức lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của từ thế hệ trước: kết hôn sớm - sinh con - nghèo đói. Cuộc sống nghèo khó về vật chất, tinh thần lại tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tảo hôn: Phép nước thua lệ nhà

Những bà mẹ trẻ con phải gánh vác, lo toan công việc nhà quá sức với độ tuổi

Xã hội:

Với những đứa trẻ sinh ra khi ông bố bà mẹ chưa đến tuổi kết hôn dễ bị thiểu năng trí tuệ, tàn tật, khuyết tật, dị dạng… Điều này làm chậm sự phát triển của xã hội, là gánh nặng cho gia đình. Và vì nhận thức về gia đình còn chưa có nên dễ dẫn đến hạnh phúc gia đình bị phá vỡ, khiến cho tình trạng bỏ nhau vì đều... còn trẻ con. 

Giáo dục:

Trong khi bạn bè cùng trang lứa mới chỉ lo học hành, vui chơi, được tiếp nhận dần dần các kiến về giới tính, sinh sản, về xã hội, về cuộc sống thì có những em phải ở nhà làm vợ, làm mẹ. Sự bó buộc trong gia đình, con cái, nghèo khó khiến các em không có nhận thức về xã hội, về thế giới bên ngoài.

Tảo hôn vẫn ở các khu vực nông thôn, miền núi, các dân tộc thiểu số luôn là vấn đề thách thức cho dân số kế hoạch hóa gia đình. Làm sao để tất cả trẻ em đều được đi học, trưởng thành và có quyền tự chọn cuộc sống cho riêng mình là câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.

Ước mơ của em bé Ấn Độ 13 tuổi tưởng như quá tầm thường với những đứa trẻ khác lại trở nên xa xỉ với em: 'Em không muốn kết hôn. Em thề không lấy ai trước 18 tuổi'.

>> Xem thêm: Bố mẹ ép con gái 13 tuổi lấy chồng vì sợ... ế

Ảnh minh họa: Internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!