Người dân xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) tìm hiểu tài liệu tuyên truyền dân số. Ảnh: Lan Anh
Thực tiễn Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam
Ngày 12/2, các chuyên gia đến từ Đại sứ quán Hàn Quốc đã có buổi thăm và làm việc tại Tổng cục Dân số. Tại đây, ông Oh Un Hwan, Tùy viên An toàn thuốc và thực phẩm (Đại sứ quán Hàn Quốc) cho biết, hiện nay, công tác dân số của Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số.
Về mức sinh, theo các chuyên gia Hàn Quốc, năm 2018, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc là 0,98. Đây là mức thấp nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên có mức TFR thấp hơn 1,0 (trung bình mỗi phụ nữ tại Hàn Quốc chưa sinh đến 1 con). Theo số liệu chưa đầy đủ trong năm 2019, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc chỉ rơi vào khoảng 0,88 con, thấp hơn năm 2018. Đây là thực tế rất đáng lo ngại.
Nguyên nhân mức sinh thấp là do áp lực dân số từ thế hệ đi trước trong việc sinh ít con cùng với tình trạng giới trẻ Hàn Quốc hiện tại có xu hướng kết hôn muộn để tập trung phát triển, xây dựng sự nghiệp tại các thành phố, đô thị lớn cũng khiến họ sinh ít hoặc trì hoãn việc sinh con. Bên cạnh đó, tác động của chính sách can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hàn Quốc những năm 1990 của thế kỷ trước cũng khiến mức sinh bị giảm xuống.
Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi một nguồn ngân sách không nhỏ để khuyến sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn rất thấp, khiến đất nước đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng nền kinh tế của đất nước.
Bên cạnh mức sinh thấp, hiện tại, Hàn Quốc đang ở mức già hóa dân số có tốc độ nhanh nhất thế giới. Năm 2017, dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc chiếm 13,8% tổng dân số, vẫn thuộc giai đoạn mới bước vào xã hội già hóa. Nhưng từ năm 2018, con số này vượt ngưỡng 14% và Hàn Quốc chính thức bước vào xã hội già. Dự báo tới năm 2026 sẽ đạt trên 20%, giai đoạn xã hội 'siêu già'. Và tới năm 2050, độ tuổi bình quân của người Hàn Quốc sẽ là 53 tuổi, đưa nước này trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới.
Theo đó, khi nguồn lao động giảm, tiêu dùng và sản xuất sẽ đồng thời giảm theo. Đặc biệt, nếu dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục xu hướng thấp đi như hiện nay thì đến năm 2036, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi xuống ngưỡng 0%. Tỷ trọng người già ngày càng tăng lên trong dân số, đòi hỏi các quỹ phúc lợi xã hội cho hưu trí, khám chữa bệnh cho người cao tuổi cũng tăng lên trong khi lực lượng tham gia lao động để tạo ra các giá trị thặng dư cho xã hội đang ngày càng thiếu hụt.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn già hóa dân số cũng như việc không đồng đều mức sinh giữa các vùng. Vì vậy, trên cơ sở những tương đồng về đặc điểm nhân khẩu học này, ông Oh Un Hwan mong muốn, Việt Nam có thể chia sẻ bức tranh toàn cảnh về công tác dân số, đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc ứng phó với già hóa dân số cũng như việc duy trì mức sinh thay thế trên cả nước.
Tiếp tục chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số, hiện nay, quy mô dân số nước ta là 96,2 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,56%. Mức sinh thay thế vẫn được duy trì trên toàn quốc; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên… Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, công tác dân số nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết như: Mức sinh khác biệt giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam còn ở mức cao, nghiêm trọng; chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng. Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới.
Để giải quyết những khó khăn này, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Nguyễn Doãn Tú cho biết, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó, nhấn mạnh, tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó, có giao cho các Bộ, ngành tiến hành xây dựng Luật Dân số cũng như các Đề án cụ thể như Đề án Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng miền; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đề án liên quan đến việc sửa đổi Luật Lao động, trong đó có điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu…
Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm chỉ đạo: Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới. Đây là dấu mốc quan trọng đối với công tác dân số của Việt Nam trong thời gian tới.
Tập trung giải quyết những thách thức
Về vấn đề mức sinh, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.
Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước, tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết, hiện tại Tổng cục Dân số cơ bản hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng. Nội dung Đề án sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và thực hiện duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế. Theo đó, đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể trong Đề án này.
Lãnh đạo Tổng cục Dân số cũng cho biết, hiện nay quy mô dân số của nước ta còn lớn, vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm và gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại, nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao.
Về việc thích ứng với già hóa dân số, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…
Trên thực tế, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Các hành động cụ thể như: Tăng tuổi nghỉ hưu; khuyến khích các doanh nghiệp, công ty tạo điều kiện tuyển dụng những người cao tuổi tiếp tục làm việc để tận dụng kinh nghiệm và trí tuệ của đội ngũ người cao tuổi đã nghỉ hưu; tăng cường các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi.
Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo GS Youngtae Cho (Đại học Seoul, Hàn Quốc), đến nay, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đưa được tỷ số giới tính khi sinh trở về mức tự nhiên, bởi tâm lý người dân đã chuyển từ ưa thích con trai sang ưa thích con gái.
Theo GS Youngtae Cho, có được sự chuyển biến trên là do 3 yếu tố. Thứ nhất là do sự tiến bộ của y tế và đời sống xã hội được nâng cao nên tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thấp. Người dân không còn tâm lý sinh con 'dự phòng'. Thứ hai là xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái. Nhiều người trông chờ vào con trai nhưng họ nhận thấy con trai cũng chẳng làm được gì cả, thường vòi vĩnh và tiêu tiền; trong khi đó con gái lại mang tiền về, chăm sóc cha mẹ tốt hơn và làm được nhiều việc cho gia đình. Thứ ba là suy nghĩ về giá trị truyền thống đã thay đổi, người dân đã không còn lo lắng và không quan tâm rằng sau khi mất đi ai sẽ là người lo hương khói, vì điều đó con gái cũng làm được. Sau năm 1990, người dân quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay, việc chăm sóc này xã hội đã đảm nhiệm chứ không phải là con trai nữa nên nhiều người không quan trọng phải có con trai.
Theo GS Youngtae Cho, Việt Nam có thể đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức cân bằng tự nhiên trong vòng 10 - 15 năm nữa. Điều này đòi hỏi không chỉ đối xử ngang bằng giữa trẻ nam và trẻ nữ mà phải đưa cơ hội lớn hơn đối với trẻ gái, đặc biệt là cơ hội học hành. Hà Anh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!