Tất áp lực chữa giãn tĩnh mạch: Cẩn thận tiền mất tật mang

Cần biết - 05/06/2024

Tất áp lực là phương pháp để phòng ngừa, điều trị giãn tĩnh mạch nhưng người bệnh phải lựa chọn tất phù hợp với tình trạng của mình mới có hiệu quả.

Bà Ngân tê phù chân, chuột rút kèm sắc tố da vùng chân thay đổi, khám tại Viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chẩn đoán bà bị giãn tĩnh mạch nông ở chân, bác sĩ khuyên nên mang tất áp lực. Bà mua đôi tất tại một cửa hàng ở phố Thái Hà, Hà Nội, người bán quảng cáo hàng của Đức nên đảm bảo chất lượng. Có nhiều loại tất áp lực, giá từ 500.000 đến gần 2 triệu đồng, bà Ngân mua loại tất cấp độ 1, dạng thường, màu đen, cao đến phần đùi với giá 990.000 đồng.

Những quảng cáo cho thấy vớ áp lực có tác dụng giúp máu lưu thông, đề phòng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, cải thiện dòng máu sau các can thiệp điều trị bệnh tĩnh mạch và có thể phòng ngừa cũng như chữa khỏi các loét chi do bệnh tĩnh mạch. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, bà Ngân không thuyên giảm bệnh, đặc biệt tất giãn ra nhanh chóng.

Bà Lan (Thanh Hóa) cũng dùng tất áp lực 3 năm nay, hiện vẫn phải uống thuốc song song với mang tất.

Tất áp lực chữa giãn tĩnh mạch: Cẩn thận tiền mất tật mang

Đôi tất có giá 990.000 bà Ngân mua

Trên thị trường hiện có bán rất nhiều loại tất áp lực nhập khẩu, giá cũng khác nhau. Công dụng của mỗi loại tất áp lực cũng khác nhau: Tất điều trị và tất phòng ngừa, tất dành cho người suy giãn tĩnh mạch cấp độ 1 và cấp độ 2. Tất điều trị loại thường có giá khoảng 990.000 đồng, loại thời trang 1,6 triệu đồng. Tất phòng ngừa có giá rẻ hơn.

Theo tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tất áp lực là một trong những phương pháp để phòng ngừa và điều trị bệnh giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên người bệnh phải lựa chọn tất chuẩn và phù hợp với tình trạng của mình mới có hiệu quả. Ví dụ phải tuân thủ chuẩn về kích thước, cấp độ bệnh, độ áp lực bởi tất quá lỏng thì không có tác dụng, ngược lại tất quá chật sẽ làm máu không thể lưu thông.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo cần mua tất ở trung tâm chuẩn, có bác sĩ về mạch máu tư vấn để chọn được loại phù hợp. Bên cạnh mang tất, người bệnh cần chú ý chỉnh sửa thói quen trong sinh hoạt như không đứng lâu, khi ngồi không nên vắt chéo chân, không đi giày cao gót, không ngồi xổm. Khi nằm nên có gối gác cao chân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!