Tê tay khi ngủ, dùng thuốc gì?

Cần biết - 05/19/2024

Tôi 46 tuổi, gần đây tôi thấy có hiện tượng tê hai bàn tay khi ngủ đêm, khi đó tôi thường tỉnh giấc và cử động hai bàn tay thì hết cảm giác tê.

Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại khoảng hơn 1 tháng nay và cũng không phải hàng đêm. Xin hỏi bác sĩ tê hai bàn tay khi ngủ là bệnh gì? Tôi có thể dùng thuốc gì để hết cảm giác tê tay khi ngủ? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Thị Thoa (Hà Tĩnh)

Nhiều người cảm nhận thấy các ngón tay của mình trở nên buồn tê và lạnh khi ngủ ban đêm, đôi khi phải thức giấc và cử động hai bàn tay thì hết cảm giác tê giống như bạn. Điều này xảy ra là do máu lưu thông kém trong các ngón tay, do rối loạn tuần hoàn mạch máu ngoại biên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như: tình trạng lão hóa mạch máu khiến mạch máu trở nên xơ cứng; bệnh Raynaud: Cơ thể có phản ứng co thắt mạch máu khi ở nhiệt độ thấp vào ban đêm; thành động mạch bị xơ cứng gây ra máu lưu thông kém, dẫn đến ngón tay và ngón chân tê lạnh; chế độ ăn uống không đúng cách; viêm tĩnh mạch; bệnh lý thần kinh ngoại biên; hội chứng đường hầm cổ tay do sự đè nén của dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay thẳng vào lòng bàn tay...

Để cải thiện tình trạng tuần hoàn kém ở các ngón tay cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kết hợp các biện pháp không dùng thuốc như:

Nhằm giúp cải thiện lưu lượng máu người bệnh nên giữ bàn chân và bàn tay ấm áp trong khi ngủ; cần bỏ hút thuốc lá; có lối sống năng động và tập thể dục thường xuyên; ăn thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm các axit béo omega-3 và vitamin A, B6, C, E trong chế độ ăn uống. Tuyệt đối không dùng thuốc có chứa pseudoephedrine (thường có trong các thuốc điều trị hô hấp, xương khớp...) vì thuốc này có thể ảnh hưởng xấu đến tuần hoàn máu ở các ngón tay.

Nếu tê tay do bệnh Raynaud thì có thể dùng thuốc nifedipine theo chỉ dẫn của bác sĩ trong trường hợp các triệu chứng không cải thiện sau khi dùng các biện pháp không dùng thuốc.

Trường hợp tê tay do bệnh lý thần kinh ngoại biên cần xác định các nguyên nhân và điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên như đái tháo đường...

Nếu tê tay do hội chứng ống cổ tay thì cần ngừng các hoạt động lặp đi lặp lại có thể đã gây ra bệnh lý này; kéo giãn các ngón tay và xoay cổ tay thường xuyên; dùng thuốc giảm đau như naproxen hoặc ibuprofen... theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, trường hợp của bạn có tình trạng tuần hoàn kém ở ngón tay, điều này có thể dự báo bệnh lý tại chỗ hoặc toàn thân. Vì vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tê tay, từ đó mới có hướng điều trị và chăm sóc thích hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!