Bàn tay có những cơ quan thụ cảm xúc giác nhạy cảm nhất trong toàn bộ cơ thể. Tất cả những cơ quan thụ cảm xúc giác kết nối với não thông qua một hệ thống dây thần kinh. Thậm chí chỉ cần một trong những dây thần kinh này - hoặc một phần của chúng - bị bó chặt hoặc bằng cách nào đó bị tổn thương, não sẽ không nhận được tất cả các thông tin cảm giác mà bàn tay bạn gửi đi. Kết quả có thể là sự tê bại ở tay – Bác sĩ Rob Danoff, trưởng khoa dược gia đình tại Hệ thống Sức khoẻ Aria của Philadelphia cho biết.
Có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống dây thần kinh ở tay bị ảnh hưởng, dẫn đến cảm giác tê bại ở tay, trong đó 10 nguyên nhân dưới đây là phổ biến nhất.
1. Hội chứng ống cổ tay
Bác sĩ Danoff cho biết, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng tệ bại tay là hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome) – tình trạng dây thần kinh chạy dọc cánh tay, xuống bàn tay, bị bó chặt tại cổ tay.
'Hiện tượng tê bại cổ tay xảy ra tương đối phổ biến ở những người dành nhiều thời gian làm việc bên máy tính', bác sĩ Danoff nói. Đặc biệt khi bàn máy tính của bạn được bố trí theo kiểu bạn phải đặt cổ tay lên một rìa hay bề mặt cứng trong lúc gõ bàn phím hay di chuyển chuột, bạn càng có nguy cơ bị tê bại cổ tay.
Cùng với chứng tê bại, triệu chứng của hội chứng ống cổ tay còn bao gồm cảm giác mà 1 hay nhiều hơn 1 ngón tay của bạn - nhất là ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa - bị sưng lên hoặc ngứa râm ran. Nếu những triệu chứng này không mô tả điều mà bạn cảm thấy, hãy cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt. Nếu bạn để đó không điều trị trong một thời gian dài, bạn có thể cần phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh bị bó.
Vậy những yếu tố nào khác có thể là nguyên nhân gây tê bại tay?
2. Hội chứng khuỷu tay quần vợt (Tennis elbow)
Nếu bạn là một vận động viên quần vợt hoặc golf hoặc tham gia bất cứ hoạt động nào đòi hỏi động tác vặn xoay bàn tay, cổ tay hay khuỷu tay liên tục, bạn có nguy cơ bị mắc viêm mỏm lồi cầu xương cánh tay (epicondylitis) hay còn gọi là hội chứng 'khuỷu tay quần vợt'. Chứng bệnh này bắt nguồn từ tình trạng rách hoặc yếu đi của nhóm gân bao bọc quanh khuỷu tay.
Hội chứng khuỷu tay quần vợt có dấu hiệu sớm của hội chứng này lại là sự tê bại hoặc ngứa râm ran trên bàn tay, khi chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh có xu hướng biểu hiện qua cơn đau ở khuỷu tay. Nếu bạn trải nghiệm một trong những dấu hiệu trên, hãy tạm dừng chơi môn thể thao đó và nghỉ ngơi. Nếu triệu chứng quay trở lại, hãy đi khám bác sĩ.
3. Rối loạn tuyến giáp
Bác sĩ Danoff cho biết: 'Đây có thể không phải điều đầu tiên bạn nghĩ tới khi bị tê tay nhưng rối loạn tuyến giáp cũng có thể dẫn tới tê bại tay'.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị, tuyến giáp hoạt động kém – hay bệnh suy giáp trạng (hypothyroidism) có thể dẫn tới kết cục tổn thương dây thần kinh có nhiệm vụ truyền tải thông tin giữa não và tuỷ sống cũng như phần còn lại của cơ thể. Nhất là khi bạn xuất hiện những triệu chứng khác của bệnh suy giáp trạng như rụng tóc, tăng cân, luôn thấy ớn lạnh, đã đến lúc đi khám.
4. Tổn thương dây thần kinh do rượu
Nghiện rượu có thể dẫn tới các bệnh tổn thương dây thần kinh do rượu gây ra. Một nửa trong số những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn phát sinh một dạng nào đó của hội chứng rối loạn này. Một số triệu chứng khác bao gồm tê bại ở cánh tay hoặc chân, cảm giác râm ran như kim châm ở tứ chi, tình trạng yếu cơ hay co rút cơ.
Nếu bạn đang phải chiến đấu với chứng nghiện rượu hay đã uống rượu từ lâu - thường uống hơn 3 cốc/ngày với phụ nữ và 4 cốc/ngày với nam giới - đây có thể chính là nguyên nhân gây tê tay.
5. U nang
Nang hạch là những khối u không mang mầm ung thư hay chất cặn có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể bạn – nhưng có xu hướng biểu hiện trên hoặc xung quanh khớp. Nang hạch là hiện tượng cực kỳ phổ biến. Và nếu cổ tay bạn xuất hiện một nang hạch, triệu chứng thường gặp chính là sự tê bại tay.
Những u nang này đôi khi tự biến mất. Nếu không, chúng sẽ gây đau hoặc tê bại. Khi đó, bạn có thể cần phẫu thuật hoặc hút dịch khỏi u nang.
6. Hội chứng Guillain-Barré
Đây là một rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công nhầm vào dây thần kinh, gây tổn thương và dẫn tới tình trạng tê bại tay. Dù rất hiếm gặp, một nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên tờ The Lancet đã chỉ ra mối liên hệ giữa hội chứng Guillain-Barré với bệnh nhiễm trùng do virus Zika. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy hội chứng này có liên quan tới sốt xuất huyết Dengue và một số bệnh nhiễm trùng do virus khác.
Nếu bạn bị một dạng nhiễm trùng nào đó, và đang trải qua cảm giác yếu ớt, ngứa râm ran hay tê bại ở cánh tay hoặc chân cũng như bàn tay, bác sĩ có thể nghĩ tới nguyên do là hội chứng Guillain-Barré.
7. Bệnh Lyme
Đây là căn bệnh mà bạn có thể bị mắc chỉ từ một vết cắn của bọ ve. Dấu hiệu sớm của bệnh là sốt cao, da mẩn đỏ và những triệu chứng giống như cúm, bao gồm sốt, lạnh run hay đau nhức toàn thân. Nếu không được điều trị, đau khớp và tê bại tay hoặc tứ chi là một số triệu chứng có liên quan tới giai đoạn sau của bệnh Lyme. Nếu bạn dành nhiều thời gian ở trong rừng hay bị bọ ve cắn, bệnh Lyme có thể lý giải cho tình trạng tê bại tay của bạn.
8. Đa xơ cứng
Khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công vào chất mỡ có chức năng bảo vệ sợi thần kinh trong não và tuỷ sống sẽ dẫn đến tình trạng đa xơ cứng. Hậu quả là bàn tay bị tê bại.
Bệnh đa xơ cứng có thể xuất hiện ở bất cứ tuổi nào, những năm 20-30 tuổi là thời điểm dễ mắc bệnh nhất. Và phụ nữ có nguy cơ bị đa xơ cứng cao gấp 2 lần nam giới. Triệu chứng thường không mấy giúp bạn chỉ đích danh bệnh nhưng một số dấu hiệu cảnh báo bạn cần chú ý là yếu cơ và chi, bị hoa mắt. Chúng có thể liên quan tới tình trạng tê bại tay của người bệnh.
9. Đột quỵ
Theo bác sĩ Danoff, tê bì tay hay ngứa râm ran có thể là dấu hiệu bạn sẽ bị đột quỵ. Những triệu chứng sớm khác bao gồm, méo miệng, phát âm lắp bắp hay gặp rắc rối về suy nghĩ, chóng mặt, mờ mắt. Nếu tất cả những biểu hiện này mô tả cảm giác bạn đang có, hãy tới phòng cấp cứu ngay lập tức.
Ngay cả khi bạn còn trẻ, bạn vẫn có thể bị đột quỵ. Khoảng 10% các ca đột quỵ, nạn nhân dưới 45 tuổi. Việc giữ cho thân hình cân đối và thường xuyên vận động không có nghĩa là bạn không có nguy cơ đột quỵ.
10. Bệnh tiểu đường
Cho tới thời điểm này, có thể bạn đã biết, thường xuyên đi tiểu, cảm giác khát quá mức và hàm lượng đường trong máu hơi cao đều là dấu hiệu của tiền tiểu đường – hay tình trạng chưa đến mức được xác định là tiểu đường nhưng đồng nghĩa với việc bạn đang có nguy cơ rất cao mắc bệnh. Nếu bạn có một trong những triệu chứng trên, hãy đi khám ngay.
Nhưng nhiều người bị tiểu đường tuýp 2 lại không hề nhận ra mình mắc bệnh. Nếu không điều trị, tình trạng tê bại tay có thể tiến triển như là hậu quả của tổn thương thần kinh do tiểu đường gây ra.
Mắt mờ, rắc rối về thận và suy tim là tất cả những nguy cơ khác có liên quan tới bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời và đúng đắn.
(Nguồn: Prev)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!