Thai phụ và nguy cơ nhiễm độc tại gia đình

Kỹ năng sống - 05/05/2024

Chất phthalate có trong nước xịt phòng và nước rửa bát, có liên quan với bệnh béo phì và các dị tật bẩm sinh.

Một nghiên cứu mới đây gợi ý rằng phụ nữ mang thai có thể chưa có đầy đủ thông tin về việc nhiễm độc từ môi trường và ảnh hưởng của nó tới thai nhi. Một khảo sát của các bác sỹ sản khoa trên toàn nước Mỹ cho thấy rất ít bác sỹ tư vấn sâu về vấn đề này với bệnh nhân, mặc dù nhiều người cho rằng tư vấn cho bệnh nhân về nguy cơ đối với sức khỏe của môi trường là quan trọng.

Theo TS.Naomi Stotland, giáo sư về phụ khoa tại Trường Đại học California, San Francisco (UCSF) và là bác sỹ tại Trung tâm Chấn thương và Bệnh viện đa khoa  San Francisco (Mỹ): ‘Các bác sỹ sản phụ khoa hay nói về tác hại của thuốc lá và việc tiếp xúc với khói thuốc, nhưng ít thảo luận về hóa chất có trong nhựa, các sản phẩm tẩy rửa gia đình hay các chất chống cháy’. Phụ nữ cần được biết về các độc tố môi trường ngay trong ngôi nhà của mình.

Thai phụ và nguy cơ nhiễm độc tại gia đình

Ví như chất phthalate có trong nước xịt phòng và nước rửa bát, có liên quan với bệnh béo phì và các dị tật bẩm sinh. Bisphenol A (BPA) có trong nhựa có liên quan với bệnh tim. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một nghiên cứu năm 2011 trên 250 thai phụ cho thấy trong cơ thể họ đều có các hóa chất từ môi trường và có thể sẽ truyền sang thai nhi.

Trong một nghiên cứu mới, Stotland và các cộng sự của bà đã khảo sát 2500 bác sỹ sản khoa và thấy 78% cho biết họ tin rằng việc tư vấn cho bệnh nhân về các hóa chất trong môi trường có thể giảm tác hại cho thai nhi. Tuy nhiên, chỉ 50% cho biết họ đã hỏi bệnh nhân về tiền sử sức khỏe môi trường, và chỉ 7% cho biết họ được đào tạo để hiểu và giải thích về tiền sử sức khỏe môi trường của bệnh nhân.

Khảo sát sâu hơn với một số bác sỹ sản khoa cho thấy các bác sỹ không tư vấn về độc tố môi trường vì họ thấy họ không có đủ kiến thức về các hóa chất này, và không muốn gây lo lắng hay sợ hãi cho bệnh nhân. Một số bác sỹ cũng cho biết họ muốn tập trung vào những vấn đề sức khỏe cấp thiết hơn và mạn tính của bệnh nhân.

 Bà Stotland nói các trường y nên bổ sung đào tạo về các độc chất có trong môi trường vào chương trình học. Tuy nhiên, phụ nữ cũng nên chủ động bằng cách suy nghĩ và lựa chọn những vật dụng không gây hại cho môi trường xung quanh họ.

Các sản phẩm tẩy rửa gia dụng là những độc chất chính mà thai phụ cần tránh. Theo bà Stotland, nhiều phụ nữ nhầm tưởng rằng cứ phải dùng hóa chất mạnh để nhà sạch sẽ, nhưng khoa học không ủng hộ điều này. Bạn có thể dùng nước và xà phòng, dấm và bột muối hay nước chanh bởi chúng hoàn toàn vô hại.

Theo một tài liệu do các nhà nghiên cứu UCSF phát hành, thai phụ có thể tránh vi sóng đồ ăn trong hộp nhựa. Nhiều hộp nhựa giải phóng độc tố như vinyl chloride hay BPA.

Phụ nữ mang thai cũng có thể ăn các thực phẩm hữu cơ để tránh các chất trừ sâu có trong một số loại hoa quả và rau, hoặc dùng các sản phảm chăm sóc cá nhân như kem chống nắng hay kem dưỡng có chứa các thành phần không độc.

Tuy nhiên, bà Stotland cho rằng không cần quá lo lắng về các kết quả nghiên cứu này. ‘Tôi cho rằng có nhiều lí do để quan tâm, nhưng tôi không muốn mọi người quá hoảng sợ. Việc cần làm là giảm tiếp xúc. Phụ nữ cần nhớ rằng không thể tránh tiếp xúc hoàn toàn mà chỉ có thể tối giản đi’.

TS. Jeanne Conry, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ tán thành quan điểm này. Conry không tham gia vào nghiên cứu này.Conry cho biết: ‘Chúng ta cần cân bằng giữa nhận thức và cảnh báo. Vấn đề là cần cân bằng: Ăn rau sạch và trái cây càng sạch càng tốt và rửa sạch sẽ trước khi ăn. Nấu, bảo quản và đun nóng trong chất liệu an toàn như thủy tinh giúp ta không lo lắng về việc tiếp xúc với hóa chất. Hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu’.

Những phụ nữ khác, không chỉ thai phụ, cũng cần biết về các hóa chất môi trường. Khoảng 50% thai phụ có thai ngoài ý muốn, do đó chúng ta cần đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều nhận thức được một lối sống lành mạnh.

Chi Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!