Khi sử dụng trong một thời gian dài, một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ra táo bón. Nếu thấy bị táo bón khi đang dùng thuốc, người bệnh không được tự ý ngưng sử dụng mà nên thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị, để được điều chỉnh liều dùng hay thay thế một loại thuốc khác.
Tìm hiểu về táo bón
Táo bón là một chứng bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến, thường gặp ở người già, thai phụ, người ít vận động, béo phì hay có nghề nghiệp buộc phải ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, tài xế…).
Táo bón xảy ra khi phân di chuyển qua đường ruột chậm, gây ra đại tiện khó khăn, số lần đại tiện giảm (thường ít hơn 3 lần trong một tuần), phân nhỏ, cứng và cảm giác đi đại tiện chưa hoàn toàn.
Nếu không được điều trị kịp thời, táo bón có thể gây ra biến chứng như: bệnh trĩ, nứt hậu môn, thoát vị, nhiễm độc cơ thể
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra táo bón:
- Chế độ dinh dưỡng ít chất xơ.
- Uống ít nước.
- Lối sống ít vận động.
- Thói quen xấu nhịn đi đại tiện.
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng (làm suy yếu phản xạ đẩy phân ra ngoài).
- Mất cân bằng nội tiết tố (thường gặp ở giai đoạn mang thai của thai phụ).
- Bệnh lý; các bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, viêm ruột… cũng gây ra táo bón.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể gây ra táo bón như thuốc kháng axít, thuốc bổ sung sắt, thuốc chống trầm cảm…
Thận trọng với các thuốc gây táo bón
Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón. Khi sử dụng trong một thời gian dài, các loại thuốc sau đây thường gây ra tác dụng phụ táo bón:
- Thuốc kháng axít (nhôm hydroxid, calci carbonat).
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitryptilin, imipramin…).
- Thuốc giảm nhu động ruột (diphenoxylat, loperamid…).
- Thuốc chống loạn thần (clozapin, olanzapin, quetiapine...).
- Thuốc kháng histamin (diphenhydramin, loratadin…).
- Thuốc chẹn kênh canxi (diltiazem, verapamil…).
- Thuốc bổ sung sắt…
- Thuốc giảm đau opioid (hydrocodon, oxycodon, codein…).
- Thuốc chống động kinh (phenytoin, carbamazepine…).
- Thuốc lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid…).
Các thuốc trên gây ra tác dụng phụ táo bón theo các cơ chế tác động khác nhau:
Các thuốc kháng cholinergic: thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống loạn thần, thuốc kháng histamin… ức chế hệ thần kinh phó giao cảm do đối kháng acetylcholin, làm giảm nhu động ruột gây ra táo bón.
Các thuốc giảm đau opioid, thuốc giảm nhu động ruột… gắn vào các thụ thể opioid ở ruột, ức chế sự phóng thích acetylcholine và prostaglandin làm giảm nhu động và tăng tái hấp thu nước từ ruột nên gây ra táo bón.
Các thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng axít… ức chế nhu động ruột do làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể như hạ kali máu hay tăng canxi huyết.
Táo bón nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng viêm trực tràng hay nứt hậu môn gây ra chảy máu ở trực tràng. Vì vậy, các thuốc gây táo bón là những thuốc tác động một cách gián tiếp làm gia tăng nguy cơ xuất huyết đuờng tiêu hóa! Ngoài ra, táo bón trong một thời gian dài sẽ gây ra rối loạn nhu động ruột, liệt ruột hay rối loạn cân bằng điện giải của cơ thể…
Do đó, cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây ra táo bón. Nếu thấy bị táo bón khi đang dùng thuốc, người bệnh không được tự ý ngưng sử dụng mà nên thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị, để được điều chỉnh liều dùng hay thay thế một loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ táo bón.
Bên cạnh đó, cần kết hợp với thay đổi lối sống như chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ (có nhiều trong rau, củ, quả), uống nhiều nước, tăng cường vận động, luyện tập thể dục, thể thao, tập thói quen đi đại tiện điều độ… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị táo bón do tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!