Ông khẳng định, kể cả những trường hợp phụ nữ bị vô sinh trong thời gian dài, chỉ cần dùng thuốc khoảng hai tháng, tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kị, đều có thể khôi phục được khả năng sinh sản.
Niềm vui cho phụ nữ hiếm muộn
Để có được một mụn con, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả gia tài, lặn lội tìm đến các thành phố lớn, thậm chí ra nước ngoài, nơi có kỹ thuật y tế hiện đại chạy chữa, nuôi hy vọng. Thế nhưng, ở vùng đất xa xôi hẻo lánh huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), chỉ với những loại cỏ cây mọc hoang dại trên rừng, người đàn ông Mông Lò Sa Phừ (SN 1969, ngụ đội 2, thôn E. Rớt, xã Cư Pui), đã mang lại nhiều hy vọng cho chị em hiếm muộn trong vùng.
Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Th. (36 tuổi, ngụ xã Cư Pui) vẻ mặt rạng rỡ chia sẻ: Chị lấy chồng hơn 10 năm nhưng mãi vẫn không sinh được con. Vợ chồng làm lụng vất vả dành dụm được bao nhiêu tiền đều đổ vào thuốc thang chạy chữa khắp nơi, nhưng mãi vẫn không có kết quả.
Mặc dù, được người chồng yêu thương thông cảm, thế nhưng chị vẫn luôn sống trong cảm giác giày vò, có lỗi với gia đình chồng. Hiểu được sự thiệt thòi của chồng vì mình không có khả năng sinh nở, chị cố gắng chăm sóc vun đắp cho anh nhiều hơn. Thế nhưng, trong thâm tâm chị vẫn đau đáu một nỗi đau, khao khát một đứa con để làm tròn bổn phận.
'Hàng ngày nghe mọi người xì xào bàn tán, về nhà nước mắt lưng tròng, một mình gặm nhấm nỗi đau, không biết giãi bày cùng ai. Phận đàn bà không sinh được con, tôi như đứt từng khúc ruột. Nhiều lần tôi cảm thấy tự ti, có ý định chia tay để anh ấy lấy vợ khác, sớm có con nối dõi. Thế nhưng, cũng may anh yêu thương và luôn ở bên cạnh động viên tôi chạy chữa.
Rồi trong một lần ra chợ, tôi nghe một người đồng bào sinh sống tại vùng sâu thôn E. Rớt mách nước, có một thầy lang người dân tộc Mông trị vô sinh rất hiệu nghiệm. Tôi bán tín bán nghi nhưng vẫn cất công tìm đến biết đâu trời thương cho gặp được thầy được thuốc', chị Th. kể.
'Ngay ngày hôm sau, hai vợ chồng tôi khăn gói lên đường. Khi nghe ông Phừ phán căn bệnh của tôi có thể được chữa khỏi, tôi vô cùng vui mừng. Sau hai tháng được thầy chữa trị, tôi thấy trong người có những biểu hiện khác lạ, giống như biểu hiện của người phụ nữ mang thai. Tôi âm thầm đi mua que thử thai về kiểm tra, kết quả cho thấy mình đang mang thai. Tôi vừa mừng, vừa lo, đến bệnh viện kiểm tra và vỡ òa trong niềm sung sướng khi tận tai nghe bác sỹ thông báo tôi đã mang thai được hơn hai tuần tuổi. Kết quả là đứa con này đây', chị Th. vừa nói, vừa chỉ vào đứa con trai kháu khỉnh đang nô đùa trước sân.
'Thần y' chốn thâm sâu cùng cốc
Theo chỉ dẫn của chị Th., PV tìm đến ngôi làng nơi ông Phừ sinh sống. Đứng từ xa nhìn lại, buôn làng chỉ có những căn nhà xập xệ nằm chênh vênh, trơ trọi lưng chừng đồi. Khi vào được làng, khó khăn lớn nhất của PV là hầu hết những người dân qua lại trên đường không một ai có thể giao tiếp được tiếng phổ thông.
Mất một thời gian khá lâu, PV mới có thể tìm được nhà ông Lò Tiến Dũng (trưởng thôn) để được giúp đỡ. Trao đổi với PV, ông Dũng cho biết, thôn E. Rớt có tổng cộng 243 hộ với hơn 1.320 nhân khẩu. Trong thôn có nhiều đồng bào dân tộc khác nhau như Tày, Dao, Cao Lan..., nhưng đông nhất vẫn là người Mông.
Đời sống của bà con nơi đây quanh năm chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, số ít là cây mì. Đất đai eo hẹp, cằn cỗi, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ dẫn của ông Dũng, chúng tôi phải vượt thêm một quả đồi dốc cheo leo mới đến được nhà ông Phừ.
Căn nhà nơi ông Phừ sinh sống.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về bài thuốc của mình, ông Phừ hóm hỉnh kể: 'Trước đây, mình cũng sống trong buôn làng, thế nhưng gà vịt cứ nuôi lớn là bị bệnh chết hết. Do đó, mình dẫn vợ con ra dựng lều, sống tách biệt với buôn làng. Hiện tại, vợ chồng mình có bốn người con (đứa lớn nhất 15 tuổi). Cuộc sống quanh năm trông cậy vào mấy sào ruộng, năm nào được mùa cũng chỉ đủ gạo ăn'.
Chia sẻ về bài thuốc bí truyền chữa vô sinh của mình, ông Phừ cho biết: Hồi đó, ở quê ông có một thầy lang tên là Thành, chuyên hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng. Chính vì vậy, ông Thành được mọi người cảm phục, kính trọng. Ngay từ nhỏ, ông Phừ đã ước ao sau này được làm một công việc ý nghĩa như ông Thành, bốc thuốc trị bệnh cho dân bản. Chính vì vậy, những lúc rảnh rỗi ông thường tìm đến nhà ông Thành 'tầm sư học đạo'.
Thấy ông đam mê, tâm huyết, chịu khó, ông Thành nhận làm đệ tử truyền dạy kinh nghiệm. Ngày ngày, ông Phừ được sư phụ dẫn lên rừng làm quen với các loại cây cỏ và tìm hiểu công dụng trị bệnh của từng loại. Dần dà, ông cũng học hỏi tích lũy được những bài thuốc quan trọng từ người thầy giỏi của mình.
Ông Phừ trò chuyện với PV.
Sau ngày vào Đắk Lắk định cư, cơ sở vật chất thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt, người làng ốm đau thường xuyên, nhưng không có thuốc men chạy chữa. Nhìn người bệnh đau đớn quằn quại, lục lại những kinh nghiệm ngày nào học được của sư phụ, ông Phừ háo hức lên rừng hái lá thuốc về trị bệnh cho dân làng.
Dường như tay nghề của ông Phừ đã bắt đầu có tác dụng, nhiều người dân trong vùng được ông chữa khỏi bệnh. Cũng từ đó, hễ trong buôn làng có người đau ốm là tìm đến nhờ ông chạy chữa.
'Tôi có thể trị được nhiều chứng bệnh như đau đầu, sốt, thương hàn... nhưng công dụng và hiệu nghiệm hơn cả là bài thuốc trị vô sinh cho nữ giới. Thật ra bài thuốc của tôi cũng không có gì đặc biệt. Chỉ cần kết hợp bốn loại thuốc lại với nhau (tạm dịch theo tiếng Mông gọi cây Hong Ca Du, Cu Dang, Đường đỏ, gừng, hạt tiêu). Nguyên liệu phải được lấy tươi từ trên rừng, đem về sắc uống ngày hai hoặc ba lần, uống trong vòng hai tháng là có kết quả'.
'Bằng chứng trong suốt mấy chục năm nay, nhiều phụ nữ hiếm muộn khắp nơi tìm đến đã được tôi chữa trị hiệu quả, họ đều sinh được những đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, người uống phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định kiêng kị thì mới chữa được bệnh. Thế nhưng cái khó là nguyên liệu ở đây rất khó kiếm, không mọc đại trà như vùng núi ngoài Bắc.
Nhiều người ở các thành phố lớn được tôi chữa khỏi đến hậu tạ nhiều tiền bạc, nhưng tôi tuyệt nhiên không nhận. Tôi chỉ chữa bệnh tạo phúc cho bà con được khỏe mạnh, người hiếm muộn có được niềm vui làm cha mẹ. Nhiều khi chỉ câu cảm ơn thôi là tôi thấy vui lắm rồi. Chỉ cần người bệnh có niềm tin, thì dù người nào có bị vô sinh trong nhiều năm liền tôi cũng có cách điều trị được', ông Phừ khẳng định.
Thầy lang 'bất đắc dĩ' của buôn làng Liên quan đến việc chữa bệnh của ông Phừ, ông Lò Tiến Dũng cho biết thêm, thật ra ông Phừ gọi là lang y thì không phải. Bởi, ông Phừ chỉ là một người chữa bệnh bất đắc dĩ. Thôn E. Rớt thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, địa hình đi lại khó khăn, đời sống bà con còn nghèo, đi khám bệnh thì không có tiền. Chính vì vậy, khi trong làng có ai đau ốm, cũng đều do tay ông Phừ chữa trị. Nói về bài thuốc chữa vô sinh của ông Phừ, ông Dũng khẳng định, bản thân ông cũng thấy có một số người được ông Phừ chữa khỏi. Tuy nhiên, hiệu quả do tác dụng từ bài thuốc của ông Phừ, hay quá trình họ đã đi chữa trị nhiều nơi, thì cần các y bác sỹ tìm hiểu và kết luận.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!