Thanh Hóa: Đơn nguyên sơ sinh thay đổi sự sống trẻ sinh non

Nuôi dạy con - 10/01/2024

Nhờ có đơn nguyên sơ sinh, các bác sĩ sản nhi của bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã cứu sống kịp thời nhiều trẻ sơ sinh.

Chiều thu muộn, Bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vẫn đông đúc bệnh nhân ra vào. Bước vào căn phòng nằm trong Khoa Nhi của Bệnh viện, theo quan sát hiện phòng có 4 trẻ sơ sinh, bé thì đang thở máy, bé thì đang được chiếu đèn vàng da, BS.ThS Bùi Thị Loan (trưởng khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho gặp cháu Đặng Thùy Đại (người dân tộc Mường).

Theo BS Loan, bé Đại sinh ra được 1,5 kg, bị suy hô hấp, chẩn đoán thiếu máu. Do điều kiện bệnh viện không cho phép, các bác sĩ phải chuyển bé lên bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Sau khi ổn định, bé được chuyển về nhà 1 ngày thì phát hiện thêm là bị viêm phổi, lại thêm tím tái toàn thân nên quay lại bệnh viện tỉnh.


Thanh Hóa: Đơn nguyên sơ sinh thay đổi sự sống trẻ sinh non

Bác sĩ đang chăm sóc cho bé Đại (Ảnh: NH)

Tại đây, chỉ sau 4 ngày nuôi trong lồng, bé đã trở lại bình thường. Chị Hà Thị Thùy (Cẩm Giang, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) không giấu nổi sự xúc động khi nhìn thấy con chỉ sau ngày thứ 4. Hiện giờ chị đã có thể cho con bú, thay vì vắt sữa cho con trước đó. 'Sắc thái của con hôm nay chưa hết xanh nhưng đã khá hơn. Các bác sĩ cũng dặn, nếu thấy con tím tái thì phải tìm cách cho con khóc to lên. Mỗi ngày gặp con, thấy con tiến triển tốt, tôi thực sự rất mừng', chị cho biết thêm.

Là trẻ sinh non, bé Phạm Thái Hoàng (Vinh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cũng được sinh ra khi mới 1,5 kg, tím tái toàn thân và phải thở bằng máy. Tuy nhiên, bé còn bị trướng bụng, nôn dịch dạ dày, da xanh nhợt, nổi vân tím, không có phản xạ bú vú, đặc biệt bệnh nhân thường bị ngừng thở trên 20 giây, có những cơn ngừng thở kéo dài. Các bác sĩ đã cho bé thở bằng máy, nuôi dưỡng tim mạch, dưỡng sinh toàn thân. Chỉ sau 10 ngày, bé đã ổn định hơn, cai máy thở, được chăm sóc trong phòng đơn nguyên sơ sinh. Nhờ chăm sóc theo đơn nguyên sơ sinh, chỉ 20 ngày sau, bé đã được xuất viện.

BS ThS Bùi Thị Loan nhấn mạnh, nhiễm trùng huyết làm sức đề kháng của trẻ kém đi, không thích nghi được, thiếu oxy ở các tổ chức, trong đó có dạ dày, ruột. 'Trước đây không để ý, trẻ thường bị tử vong. Tuy nhiên, từ ngày có đơn nguyên sơ sinh, bệnh nhiễm trùng huyết ở trẻ đã được giảm xuống, hiệu quả điều trị rõ rệt, đẩy lùi nhiều ca tử vong ở trẻ sinh non', BS Loan nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết thêm, từ khi thành lập được Đơn nguyên sơ sinh hoạt động lồng ghép trong khoa Nhi, khoa đã tiếp thu bệnh nhân sơ sinh để điều trị trong đó có cả bệnh nhân sơ sinh ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa, trẻ sơ sinh đã được hưởng lợi từ những dịch vụ kỹ thuật y tế mà từ trước tới nay tại bệnh viện Ngọc Lặc chưa bao giờ có, đã điều trị thành công do trẻ đẻ non nhẹ cân suy hô hấp, vàng da, nhiễm khuẩn sơ sinh...đặc biệt đã áp dụng kỹ thuật thở máy, thở CPAP cho trẻ đẻ non suy hô hấp, nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch cho trẻ viêm ruột hoại tử, đẻ non, nhẹ cân.

Thanh Hóa: Đơn nguyên sơ sinh thay đổi sự sống trẻ sinh non

Tình trạng nằm chung lồng ghép ở trẻ sơ sinh do bệnh viện quá tải (Ảnh: NH)

Có thể nói nhờ có đơn nguyên sơ sinh, nhiều trẻ em được sinh ra tại Ngọc Lặc và các vùng lân cận khi có vấn đề về sức khỏe có thể điều trị ngay tại viện, không phải chuyển tuyến. Điều này giúp giảm bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, do đó giảm chi phí cho người bệnh. Đỉnh điểm nhất là bệnh viện đã cứu được trẻ chỉ nặng 700g nhờ chăm sóc tại đơn nguyên sơ sinh. Nhiều trường hợp thập tử nhất sinh nhưng vẫn xin ở lại và bệnh viện có thể cứu được.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn. Khoa Nhi, khoa Sản vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, tại nơi điều trị bằng Đơn nguyên sơ sinh vẫn xảy ra tình trạng trẻ phải nằm ghép giường, chung lồng ấp. Mặt khác tại thời điểm hiện tại do Đơn nguyên sơ sinh nằm lồng ghép trong Khoa Nhi nên công tác vệ sinh vô khuẩn tuyệt đối cho các trường hợp thở máy chưa đảm bảo, chưa thực sự đạt chuẩn của khoa sơ sinh.

Thanh Hóa: Đơn nguyên sơ sinh thay đổi sự sống trẻ sinh non

BS Loan giải thích mô hình đơn nguyên sơ sinh ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) (Ảnh: NH)

BS Loan chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, khoa Nhi có 120 bệnh nhân, trong khi khoa chỉ có vỏn vẹn 20 người (bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng) được đào tạo chuyên sâu về sơ sinh. các Bác sĩ và điều dưỡng vừa làm công tác Nhi khoa vừa làm công tác sơ sinh, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc và điều trị.. 'Máy móc, trang thiết bị cần rất nhiều nhưng trước hết phải có nhân lực đã', BS Loan bày tỏ mong muốn.

T.N

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!