Mụn nhọt có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Và hầu như mọi người thường chủ quan khi thấy mụn nhọt mọc trên người vì nghĩ dăm ba ngày sẽ tự lặn. Thế nhưng, mới đây, một chia sẻ từ chị Nguyễn Thùy Linh (TP. Hạ Long – Quảng Ninh) sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh phải đề cao cảnh giác với mụn, nhọt lạ xuất hiện trên cơ thể con.
Chị Linh cho biết, cách đây vài ngày, bé Bánh Mỳ (8 tháng tuổi) bỗng xuất hiện mụn trên đầu. 'Nó cũng chỉ giống các mụn ngứa bình thường thôi. Bé cũng chẳng có biểu hiện gì khác lạ như quấy khóc, nên mình chủ quan' – Chị Linh chia sẻ.
Thế nhưng, đến ngày hôm sau thì bé nhà chị Linh bắt đầu nổi ban cả người như dị ứng. Chị Linh và mẹ chồng đều cho rằng vì nóng quá nên bé Bánh Mỳ bị phát ban. Chị cho bé tắm lá kinh giới nhưng vẫn không giảm bớt, thậm chí ban ngày càng dày hơn.
Tới khi bé sốt cao liên tục, uống thuốc không hạ, bỏ bú mẹ, chị Linh lập tức đưa bé đến Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh. Tại đây chị hốt hoảng khi bác sĩ bảo Bánh Mỳ bị nhọt vùng đầu, gây nhiễm trùng toàn thân và đã bắt đầu nhiễm khuẩn.
Bé Bánh Mỳ phải vào viện cấp cứu chỉ vì 1 cái mụn trên đầu.
Theo chỉ dẫn của bác sĩ, bé Bánh Mỳ phải đi làm thủ thuật rạch chỗ mụn lấy mủ. Sau tiểu phẫu 3 ngày, đầu bé Bánh Mỳ vẫn đầy mủ. Do thường xuyên phải dùng kháng sinh, bé bị tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
Nhưng may mắn, tới giờ tình trạng bé đã khá hơn nhiều, tiếp tục nằm viện để theo dõi. Chị Linh cho biết: 'Bé được tiêm kháng sinh rất nhiều, có những lúc bàn tay nhỏ xíu đã vỡ ven đến 7 lần một ngày. Bé không khóc đâu nhưng mình thì không kìm được nước mắt. Như đứt từng khúc ruột vậy.'
Trước đó, đã có trường hợp của bé N.V.A 2 tuổi, ngụ tại quận 2 – TP. HCM cũng từng gặp nguy hiểm chỉ vì vài cái mụn trên đầu.
Anh N.M.N, bố bé A kể, trên đầu bé cũng chỉ xuất hiện mấy cái mụn. Gia đình đều cho rằng vì nóng nên ra sức giải nhiệt bằng các loại nước mát mà mụn vẫn không lặn đi. Sau gần 1 tuần thì mụn ngày càng to ra và bé A có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy…
Tới khi đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. HCM, các bác sĩ cho biết, nếu đưa đến muộn hơn, cháu sẽ bị nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Một sai lầm phổ biến ở các bà mẹ nuôi con nhỏ là luôn xem nhẹ chuyện nổi mụn nhọt của con. Hầu hết đều cho rằng vì nóng nên bé bị mọc mụn, bị phát ban và tìm cách chữa bằng các loại lá, đồ uống giải nhiệt.
Không ít trường hợp trẻ bị mọc mụn rồi dẫn tới nhiễm trùng máu, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị không kịp thời, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...
Dưới đây là nguyên văn chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Linh:
Ngày thứ 6 em của mẹ nằm viện. Một sự hối hận vô cùng chỉ vì một sự lơ là, không để ý của mẹ đã làm em đau.
Tất cả cũng chỉ vì một cái mụn ở đầu...
Ngày đầu: Em mọc mụn, mẹ nghĩ em mọc mụn ngứa, chắc không sao đâu, sẽ nhanh hết thôi.
Ngày thứ 2: Em bắt đầu nổi ban, mẹ và bà đều bảo em nóng quá, em dị ứng. Vậy nên mẹ chỉ tắm lá kinh giới cho em.
Ngày thứ 3: Em bắt đầu nổi ban dày hơn, em ngứa, em gãi rất nhiều và em bắt đầu sốt.
Đêm ngày thứ 3: Em của mẹ sốt liên tục 40 - 41 độ, không hạ được kể cả mẹ cho em uống thuốc hạ sốt. Em mệt mỏi, mắt lờ đờ, không chịu bú mẹ.
Sáng ngày thứ 4: Em khám và nhập viện. Bác sĩ bảo em nhọt vùng đầu, ban nhiễm trùng toàn thân và đã có sự nhiễm khuẩn, toàn thân em phù nề.
Vậy là hành trình của em và mẹ bắt đầu...
Bác sĩ đưa em đi làm thủ thuật rạch chỗ mụn có rất nhiều mủ, 3 ngày trôi qua đầu em vẫn đầy mủ. Em được tiêm kháng sinh khá nhiều, có những lúc bàn tay nhỏ xíu của em đã vỡ ven đến 7 lần một ngày.
Em đau lắm nhưng em không khóc, em mạnh mẽ lắm nhưng sự mạnh mẽ ấy của em lại làm mẹ không kìm nổi nước mắt.
Ngày thứ 6 trôi qua, em tạm ổn nhưng đầu vẫn còn dịch. Do tiêm nhiều kháng sinh em bắt đầu chuyển sang tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
Trường hợp của em Bánh Mỳ nhà mình cũng là lời cảnh tình cho các mẹ có con nhỏ, một cái mụn bé xíu của con cũng rất nguy hiểm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!