Trong quá trình phát triển của trẻ, có rất nhiều hành vi khác nhau được thực hiện, nhất là đối với trẻ mới biết đi tầm 18 tháng đến 2-3 tuổi, có thể xuất hiện một loạt các hành vi sai trái thiếu tính kỷ luật dẫn đến hậu quả xấu đối với việc hình thành nhân cách của trẻ.
Đối với một số bậc phụ huynh, việc rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ là một trong những nhiệm vụ khó khăn và gây bực bội nhất bởi vì đó là những bài kiểm tra ý chí giữa cha mẹ và con cái. Những đứa trẻ không thực hiện được những hành vi bộc phát của mình có xu hướng tìm kiếm cơ hội để thực hiện một hành vi khác. Vậy việc rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên việc kỷ luật trẻ có tương đồng với việc đánh đòn, trừng phạt trẻ hay không? Câu trả lời là không. Chúng ta cần dạy cho trẻ tính kỷ luật thông qua các quy tắc ngăn chặn các hành vi hung hăng (đánh hay cắn), nguy hiểm (chạy ra đường) hay hành vi không phù hợp (ném thức ăn),... qua đó cần có các biện pháp phù hợp để phạt khi trẻ vi phạm các điều trên.
Dưới đây là 7 cách giúp bạn đặt ra các giới hạn và ngăn chặn hành vi xấu của trẻ.
1. Lựa chọn cách thực hiện
Việc bạn luôn ngăn chặn mọi hành vi của con mình bằng cách nói 'Không' không thực sự có hiệu quả cao khi con bạn có thể sẽ ngưng các hành động xấu nhưng thật sự không hiểu được lý do và ý nghĩa của nó. Do đó bạn cần xác định điều gì là quan trọng trong phép tắc kỷ luật của bạn và đặt ra giới hạn cũng như cách để phạt khi trẻ không tuân theo.
Anna Lucca, 1 bà mẹ ở Washington DC chia sẻ rằng, cô con gái của mình thường xuyên vứt đồ đạc và quần áo vương vãi trong phòng ngủ. Sau khi việc nói con không được làm như thế nữa và không mang lại hiệu quả Anna đã trực tiếp bắt tay vào hướng dẫn con gái dọn dẹp phòng trước và sau khi đi ngủ. Và điều này thực sự đã có hiệu quả khi hành vi của cô con gái đã thanh đổi trong thời gian ngắn.
2. Ngăn chặn nguyên nhân và thay đổi hành vi của trẻ
Một số hành vi sai trái của trẻ có thể ngăn chặn được nếu như bạn có thể lường trước được nguyên nhân gây ra và tạo ra cách thức để loại bỏ nó. Nếu như con của bạn có xu hướng với tay lấy lon ra khỏi kệ hàng khi đi siêu thị, hãy mang theo một vài món đồ chơi cho trẻ trong xe đẩy hàng. Nếu như trẻ 2 tuổi của bạn không chịu chia sẻ đồ chơi với bạn khi đến nhà, hãy nói chuyện trước với trẻ. Nếu như trẻ của bạn thích vẽ lên tường, hãy cất bút màu ra khỏi tầm tay của trẻ và đừng để trẻ tô màu mà không có sự giám sát. Ngoài ra, một số trẻ sẽ có xu hướng có các hành động phá hoại khi đói vì vậy hãy chắc rằng bạn đã cho trẻ ăn no và ngủ đủ giấc.
Để tránh việc trẻ vẽ bậy lên tường, bạn có thể trang bị cho trẻ một cái bảng đứng và nhớ giám sát khi trẻ thực hiện (Ảnh minh họa)
3. Kiên định
Claire Lerner, Giám đốc trung tâm nuôi dạy con cái 'Zero to Three' chia sẻ rằng: 'Trong độ tuổi từ 2-3, trẻ thường hành động nhiều để xem những hành động đó của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Nếu phản ứng của bạn trước một hành động của trẻ liên tục thay đổi, trẻ sẽ lẫn lộn giữa những hành vi được phép và không được phép”.
Không có một khuôn mẫu nào cho việc ngăn chặn và trừng phạt khi trẻ có hành vi sai trái. Nhưng nếu như bạn luôn trả lời theo đúng một cách, trẻ có thể sẽ học được cách cư xử sau 4-5 lần.
4. Đừng thể hiện quá nhiều cảm xúc
Phản ứng tức giận chỉ khiến cho trẻ thêm sợ hãi, vì vậy hãy ngồi xuống và nói chuyện với trẻ thật bình tĩnh (Ảnh minh họa)
Chắc chắn rằng rất khó để có thể giữ được bình tĩnh khi con bạn nghịch đuôi một chú chó hay không chịu đánh răng vài ngày liên tục. Nhưng nếu như bạn hét lên và quát trẻ trong giận giữ thì thông điệp bạn muốn trẻ hiểu sẽ không được truyền tải và tình hình trở nên xấu hơn.
'Nếu như một đứa trẻ luôn bị các bậc cha mẹ la mắng trong tâm thế giận dữ, trẻ sẽ trở nên sợ hãi và không thể tiếp nhận được những gì cha mẹ đang nói”. -William Coleman, MD, giáo sư nhi khoa tại Đại học Y North Carolina, ở Chapel (Mỹ) chia sẻ. Thật vậy, việc phản ứng tức giận chỉ làm cho con bạn sợ hãi, thậm chí là thích thú hơn do đó bạn phải thật bình tĩnh, ngồi xuống ngang tầm mắt với trẻ và nghiêm khắc đưa ra lời khiển trách.
5. Giữ mọi thứ ngắn gọn và đơn giản
Với một đứa trẻ 2-3 tuổi, những giải thích dài dòng sẽ không phù hợp vì trẻ không thể hiểu hết được vì vậy những cụm từ ngắn kết hợp với biểu cảm sẽ có tác dụng hơn nhiều (Ảnh minh họa)
Nếu như bạn giống như hầu hết các bậc cha mẹ có xu hướng giải thích lý luận khi con phạm lỗi hay có hành vi sai trái thì đây thực sự là một phương pháp không hiệu quả. Một đứa trẻ 18 tháng tuổi không thể hiểu hết được những câu nói phức tạp hay một đứa trẻ 2-3 tuổi vẫn không thể chú ý tập trung để nghe hiểu hoàn toàn những gì bạn đang nói. Do đó, bạn hãy nói với trẻ bằng những cụm từ ngắn, lặp đi lặp lại chúng vài lần, kết hợp với giọng nói và biểu cảm trên gương mặt để răn đe trẻ.
6. Đưa ra một mốc thời gian
Nếu như việc khiển trách thông thường không thể ngăn chặn được hành vi sai trái của con bạn. Hãy thử đặt ra một mốc thời gian chờ bằng cách sử dụng một giọng điệu và gương mặt nghiêm túc. Ví dụ như : “Mẹ sẽ đếm đến 3, nếu như con không dừng hành động đó lại, con sẽ không còn thời gian nữa”. Nếu như trẻ không nghe, hãy đưa trẻ đến một nơi yên tĩnh bắt trẻ ngồi yên trong vòng một khoảng thời gian nhất định. Sau thời gian đó, hãy yêu cầu trẻ xin lỗi và thể hiện rằng bạn không hề giận trẻ nếu như trẻ biết nghe lời hơn.
7. Luôn tích cực
Việc giữ thái độ bình tĩnh và tích cực khi dạy trẻ tính kỹ luật sẽ hiệu quả hơn rất nhiều (Ảnh minh họa)
Cho dù bạn có thấy thất vọng như thế nào về hành vi sai trái của trẻ cũng đừng tức giận trước mặt chúng. Nếu như trẻ nghe thấy cha mẹ khiển trách mình theo hướng tiêu cực, trẻ sẽ có cái nhìn không tốt về cách cư xử của cha mẹ và tiếp tục cách hành vi chống đối. Việc bạn tức giận đối với hành vi sai trái của trẻ là chuyện bình thường nhưng nếu như bạn không thể giữ bình tĩnh và giải quyết mọi chuyện theo hướng tích cực, hãy tìm đến người bạn của mình hoặc bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và hỗ trợ.
Nguồn: Parents
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!