'… Năm 12 tuổi, mồ côi cha mẹ nên tôi đã phải bươn chải, đánh dậm, bắt cua, đóng gạch thuê kiếm sống qua ngày. Vì lẽ đó, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ cực của người nghèo. Mỗi khi thăm khám bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách neo đơn, mảnh đời bất hạnh… tôi đều chữa bệnh miễn phí, tặng tiền để giúp họ vơi đi khó khăn trong cuộc sống' - thầy lang Nguyễn Phú Cửu, 80 tuổi, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên kể với tôi chuyện đời và nghề của mình như thế.
Mồ côi cha mẹ từ tuổi ấu thơ
Theo giới thiệu của Hội Đông y huyện Khoái Châu, tôi đến thăm gia đình cụ Nguyễn Phú Cửu, thầy lang hay làm việc thiện cưu mang giúp đỡ người nghèo. Là người cùng quê nhãn lồng, nên tôi không mấy khó khăn tìm đến nhà cụ. Trước cổng nhà, tôi thấy có tấm biển ghi lịch làm việc cụ thể: Buổi sáng 8-11 giờ, đi thăm khám bệnh (nếu bệnh nhân cần gặp, xin mời gọi điện thoại theo số 0946.674.xxx, đợi 10-15 phút); buổi chiều 14-16 giờ. Thấy có khách đến, một người đàn bà hơn 50 tuổi, tác phong nhanh nhẹn, xởi lởi ra mở cửa mời khách. Vừa lấy điện thoại bấm số bà vừa giới thiệu: 'Tôi tên là Đỗ Thị Hồng, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tôi là người giúp việc cho cụ Cửu gần 3 năm nay. Hằng ngày, buổi sáng cụ đi khám bệnh cho những người già trong làng. Chú đợi khoảng 10 phút nữa, cụ là người rất trọng chữ tín, không bao giờ thất hứa với ai'...
Trong thời gian đợi cụ về, bà Hồng nức lòng khen cụ Cửu là người sống nhân hậu, thăm khám bệnh, bốc thuốc miễn phí, làm từ thiện cho nhiều người. Hằng ngày, cụ đi xe gắn máy hoặc xe đạp điện thăm khám bệnh nhân ở xa, còn ở gần thì cụ dùng xe đạp. Tuy đã ở tuổi 80 nhưng cụ làm việc, ăn uống, sinh hoạt rất khoa học, đặc biệt không bao giờ trễ hẹn bệnh nhân. Bà còn dặn tôi, thời gian gần đây tai cụ hơi nặng, chú phải nói to một chút nhé. Đúng như lời bà giúp việc, tôi ngồi chưa ấm chỗ đã thấy một cụ già tóc bạc dựng xe đạp trước cửa nhà. Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói khúc chiết, minh mẫn, tôi không nghĩ thầy lang Nguyễn Phú Cửu đã bước sang tuổi bát tuần.
Bên ấm trà được chủ nhà pha chế có vị thuốc Đông y, với chất giọng đậm chất Hưng Yên, cụ Cửu kể: 'Tôi là con thứ chín trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề Đông y ở thôn Thuần Lễ, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu. Năm 12 tuổi, tôi mồ côi cha mẹ nên tôi phải bươn chải, đánh dậm, bắt cua, đóng gạch thuê kiếm sống qua ngày. Vì lẽ đó, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ cực của người nghèo. Mỗi khi thăm khám những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách neo đơn, mảnh đời bất hạnh… tôi đều chữa bệnh miễn phí, tặng tiền để giúp họ vơi đi khó khăn trong cuộc sống…'.
Thầy lang Cửu tặng quà cho con thương binh hạng 3/4 Phan Minh Hào ở xã Dân Tiến.
Được biết, năm 1954, chàng thanh niên Nguyễn Phú Cửu phiêu dạt lên huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) kiếm kế sinh nhai với nghề đóng gạch thuê. Với tính ham học hỏi, cần cù, chịu khó, hay lam hay làm nên chẳng mấy chốc, chàng nông dân vùng đất nhãn lồng đã tích lũy được ít vốn, kinh nghiệm để nuôi chí làm giàu. Hai năm sau, Nguyễn Phú Cửu quyết định về quê lập nghiệp với nghề đóng gạch. Năm 1957, anh kết duyên với cô thôn nữ Nguyễn Thị Hoa, người cùng thôn Thuần Lễ.
Cửu 'lò gạch'
Khi được hỏi về những ngày gian khó lập nghiệp, cụ Cửu không ngần ngại chia sẻ: 'Hằng ngày, tôi quần quật đóng gạch thuê nghĩ cũng cực, ráo mồ hôi là hết tiền. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ bàn tính với vợ là phải đứng lên làm chủ thì cuộc sống gia đình mới có bát ăn bát để. Năm 1959, tôi thuê 4 sào ruộng ở cầu Nẩy, xã Việt Hòa (Khoái Châu) để thành lập cơ sở sản xuất ngói Sông Cầu. Sau 3 năm, thấy tôi làm ăn khấm khá nên chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Hợp tác xã Việt Hưng để chuyên sản xuất gạch, ngói. Ngày đó, người dân ở Khoái Châu hay gọi tôi với cái tên Cửu 'lò gạch'. Cũng trong thời gian này, tôi được chính quyền địa phương cử đi học bổ túc văn hóa lớp 5 và học kế toán. Sau đó, tôi tiếp tục được cử đi học lớp quản lý tài vụ toàn miền Bắc…'.
Năm 1969, Hợp tác xã Việt Hưng vượt mức kế hoạch sản xuất đề ra, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cửu vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong suốt hơn 20 năm làm kế toán, chủ nhiệm hợp tác xã, đảng viên Nguyễn Phú Cửu cùng với tập thể xã viên luôn được cấp trên khen thưởng. Đặc biệt, năm 1982, Hợp tác xã Việt Hưng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Với tố chất thông minh, năng động, dám nghĩ, dám làm của 'anh chủ nhiệm', đời sống của bà con xã viên ngày càng được nâng cao. Từ năm 1987 đến năm 1992, 'anh chủ nhiệm' được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Trạm trưởng, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp huyện Châu Giang (nay là huyện Khoái Châu)...
Dẫn tôi ra thăm khu vườn trồng cây thuốc Nam và trang trại sau nhà, thầy lang Cửu hồi tưởng lại mối cơ duyên theo nghề gia truyền: 'Người xưa có câu: Nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Không biết run rủi thế nào, năm 1992, tôi bị tai nạn giao thông, chân không đi lại được. Trong thời gian điều trị tại nhà, tôi đã tự nhiên nhớ đến nghề Đông y gia truyền, suốt ngày nghiền ngẫm đọc rất nhiều sách các bài thuốc, để trị bệnh cứu người. Với tâm nguyện tiếp nối nghề gia truyền, tôi theo học 6 tháng lớp Đông y và được Sở Y tế tỉnh Hải Dương (cũ) cấp giấy phép hành nghề. Năm 1996, tôi chính thức mở phòng chẩn trị, khám bệnh, bốc thuốc Đông y. Và từ đó, tôi say mê nghề gia truyền lúc nào không hay...'.
Với những người làm nghề bốc thuốc Đông y, để làm giàu từ nghề này không phải ai cũng làm được. Trong quá trình hành nghề, thầy lang Cửu luôn tâm niệm lời dạy của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông: Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người; không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức; nhà giàu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được.
'Có tiền mới làm được việc thiện'
Để có tiền chữa bệnh miễn phí và làm từ thiện, thầy lang Cửu đã tiên phong trong vùng đất Khoái Châu về mô hình V.A.C (vườn, ao, chuồng). 'Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ, có tiền mới làm được việc thiện. Từ suy nghĩ đó, năm 1993, tôi đấu thầu 4,2 mẫu ruộng hoang hóa của xã Dân Tiến, đi vay tiền bạn bè, họ hàng, thuê người để mở lò gạch, trồng cây, nuôi lợn, nuôi cá… Có những ngày trời mưa bão, mọi người trong gia đình đánh vật với thiên nhiên để cứu lò gạch không bị sập, ao cá không bị vỡ; thức đêm tiêm thuốc phòng dịch cho lợn, gà, vịt… Và rồi, ông trời không phụ công người, thu nhập kinh tế gia đình ngày một nâng lên; gia đình có của ăn của để và tôi nghĩ đến việc đi làm từ thiện…' - cụ Cửu nhớ lại thời kỳ làm mô hình V.A.C.
Từ ngày mở trang trại, hằng năm gia đình thầy lang Cửu thu nhập vài trăm triệu đồng. Ngoài việc bốc thuốc Đông y miễn phí cho người nghèo, thầy lang Cửu còn đi tặng quà, hỗ trợ tiền cho các gia đình chính sách, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Chỉ tính riêng hai năm 2004-2005, hưởng ứng cuộc vận động xóa nhà tranh vách đất cho người nghèo, gia đình thầy lang đã đăng ký hỗ trợ xây nhà cho 6 gia đình thuộc các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi hơn 300 triệu đồng; tặng Trường Tiểu học Tân Dân A (Tân Dân-Khoái Châu) 50 triệu đồng. Hằng năm, nhân dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Ngày Vì người nghèo, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tết Nguyên đán… thầy lang Cửu đều ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Tính đến nay, cụ Cửu làm công tác từ thiện, bốc thuốc miễn phí giúp đỡ người nghèo với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Sau một hồi hàn huyên tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, chợt nhớ đến lịch thăm khám bệnh, cụ Cửu vừa ra bàn bốc thuốc vừa nói: 'Sáng nay, tôi còn mấy bệnh nhân ở xã chưa đến bắt mạch, kê đơn thuốc được, tí nữa phải đi. Nếu nhà báo thu xếp được thời gian thì cùng đi với tôi tới thăm gia đình thương binh có con trai bị chấn thương sọ não nằm liệt giường gần 10 năm nay. Tiện thể, tôi gửi gia đình họ mấy thang thuốc và chút tiền thêm cho cháu chữa bệnh…'.
Vừa đến cửa nhà thương binh hạng 3/4 Phan Minh Hào ở đội 1, thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, mọi người trong gia đình đã ra đón cụ Cửu như người ông, người cha về thăm con cháu. Nhận quà của cụ Cửu, anh Hào xúc động nói: 'Lần nào đến thăm, cụ đều bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc cho tôi và con trai; không chỉ cho thuốc mà cụ còn cho tiền giúp đỡ gia đình tôi. Mọi người dân, nhất là người nghèo đều ví thầy lang Cửu như ông tiên trong truyện cổ tích…'.
Theo chân thầy lang Cửu đi thăm khám một số bệnh nhân trong làng, đến đâu tôi cũng thấy mọi người dành tình cảm chân thành kính trọng với người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh này. Đúng là ở hiền gặp lành, vợ chồng thầy lang Nguyễn Phú Cửu có 8 người con (6 trai, 2 gái), họ đều có công ăn việc làm ổn định, kinh tế khá. Hai con trai của cụ đều tiếp nối truyền thống nghề Đông y gia truyền.
Khi được hỏi về thầy lang Cửu, ông Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Dân Tiến vui vẻ cho biết: 'Cụ Nguyễn Phú Cửu là thầy lang tận tụy với nghề, hết lòng vì người bệnh; tuy tuổi ngoài 80 nhưng cụ không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi… để đến tận nơi, bắt mạch, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Cùng với việc khám, cấp thuốc miễn phí, cụ Cửu còn có tấm lòng nhân ái, hỗ trợ, giúp đỡ tặng tiền cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Cụ Cửu thực sự là tấm gương sáng về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để mọi người học tập, noi theo…'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!