Giải thích về nguyên nhân của sự thay đổi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, từ tháng 9/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thanh toán vi-rút bại liệt hoang dại tuýp 2 trên toàn cầu, vì vậy thành phần tuýp 2 trong vắc-xin không còn cần thiết. Hơn nữa, việc loại bỏ bại liệt tuýp 2 cũng nhằm giảm thiểu nguy cơ gây liệt - dù rất thấp - của thành phần này.
Bệnh bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi-rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi nhiễm vào cơ thể, vi-rút tấn công hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ mắc căn bệnh này.
Không chỉ nước ta, tính đến tháng 5/2016, đã có 155 quốc gia có sự thay đổi này, nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.
Bệnh do vi-rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa (Ảnh minh họa: Internet)
Vắc-xin mới tốt hay hại hơn?
Nhờ việc triển khai vắc-xin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó trên 95% trẻ em được uống vắc-xin bại liệt 3 tuýp (tOPV), Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000, và tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Với sự thay đổi trong thành phần vắc-xin bại liệt, từ 3 tuýp chỉ còn 2 tuýp, nhiều phụ huynh e ngại trẻ sẽ không còn được bảo vệ trước vi-rút bại liệt tuýp 2, tăng nguy cơ bệnh bại liệt do vi-rút tuýp 2.
Về điều này, ông Phu cho biết, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, nếu tiếp tục sử dụng vắc-xin tOPV sau ngày 1/5, nguy cơ vi-rút tuýp 2 của vắc-xin gây bại liệt còn cao hơn nhiều so với nguy cơ khi ngừng sử dụng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã thiết lập kho dự trữ toàn cầu vắc-xin OPV tuýp 2 để sẵn sàng hỗ trợ các nước trong trường hợp xảy ra dịch.
Trong nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên của Việt Nam đều đạt cao, miễn dịch cộng đồng cao. Trong tháng 3-4 năm nay, kế hoạch uống bổ sung vắc-xin tOPV tại 19 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao đã được triển khai. Vì vậy nguy cơ Việt Nam xảy ra bệnh dịch bại liệt là thấp.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ tháng 6, Việt Nam sẽ triển khai vắc-xin bại liệt uống 2 tuýp theo đúng lộ trình của Tổ chức Y tế Thế giới, và từ năm 2018 sẽ triển khai vắc-xin bại liệt bất hoạt tiêm (IPV). Theo đó, trường hợp trẻ đã uống 1, 2 hoặc 3 liều vắc-xin bOPV trước đó sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin IPV khi trẻ 5 tháng tuổi.
Lịch uống vắc-xin bại liệt
Theo ông Phu, lịch uống vắc-xin bại liệt 2 tuýp (bOPV) tương tự như đối với vắc-xin bại liệt cũ trong tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, mỗi trẻ sẽ được uống 3 lần vắc-xin bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc-xin Quinvaxem.
Cũng như các thuốc khác, trẻ dùng vắc-xin bOPV có thể gặp một số tác dụng không mong muốn tương tự vắc-xin tOPV, như sốt nhẹ, người mệt mỏi, tiêu chảy, trong trường hợp vô cùng hiếm gặp có thể gây liệt nhẹ.
Vắc-xin bOPV chống chỉ định với những người bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, hay với những người trước đây đã từng bị phản ứng nghiêm trọng sau khi sử dụng vắc-xin bại liệt uống…
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Trên cơ sở đó, các y, bác sĩ sẽ trực tiếp khám sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp chống chỉ định, hoặc tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin nói chung và bOPV nói riêng theo quy định.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!