Thêm tin vui về phương pháp điều trị cho người bệnh

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Chữa bướu cổ không để lại sẹo; giải quyết suy tĩnh mạch bằng stent; điều trị thận ít xâm lấn, hạn chế tái phát... là những kỹ thuật mới ứng dụng trong điều trị, giúp người bệnh có những cái nhìn khả quan hơn về việc điều trị.

Chữa bướu cổ không để lại sẹo; giải quyết suy tĩnh mạch bằng stent; điều trị thận ít xâm lấn, hạn chế tái phát... là những kỹ thuật mới ứng dụng trong điều trị, giúp người bệnh có những cái nhìn khả quan hơn về việc điều trị.

Gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn TP HCM đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới và đang phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho người bệnh.

Điều trị suy tĩnh mạch bằng stent

Điều trị suy tĩnh mạch bằng can thiệp nội mạch là kỹ thuật mới vừa được Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM công bố triển khai thành công sau 2 năm nghiên cứu và ứng dụng điều trị.

ThS-BS Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết chèn ép tĩnh mạch chậu có thể gây ra tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Trước đây, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Bệnh nhân phải chịu 2 đường mổ dài ở vùng bụng. Với kỹ thuật mới hiện nay, hội chứng này có thể được điều trị khỏi bằng cách đặt stent chỉ với một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Khi được nong ra, dòng máu về tim không còn bị cản trở, những hệ quả do sự chèn ép sẽ không xuất hiện. Người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và xuất viện cùng ngày.

Thêm tin vui về phương pháp điều trị cho người bệnh

Mô hình đặt stent tĩnh mạch

Đến nay, đã có 20 người bệnh được điều trị thành công. Bà L.T.H (61 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) bị suy tĩnh mạch gần chục năm khiến chân phù, lở loét, đau đớn, đi đứng khó khăn. Sau khi được đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu, tình trạng phù chân của bà giảm đáng kể, vết loét đã lành. "Các bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này đều hồi phục hoàn toàn, không có biến chứng" - BS Lê Thanh Phong cho biết.

Chữa nang thận không mổ

Căn bệnh nang thận cũng khiến nhiều bệnh nhân gặp khó khăn. Theo ThS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận Bệnh viện Nhân dân 115, nang thận là tổn thương thận dạng nang, hình thành từ nhu mô thận. Bệnh thường gặp ở cả nam lẫn nữ và tăng dần theo tuổi. Nguyên nhân gây nang thận cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng dù có quan điểm cho rằng do bị tắc ống thận và thiếu máu cục bộ. Nang thận khi nhỏ thường không có triệu chứng nhưng khi lớn sẽ gây đau ở vùng hông lưng có nang, kèm tiểu máu, tăng huyết áp, thận ứ nước do nang chèn ép vào hệ thống đài bể thận.

Từ thực tế này, Bệnh viện đã nghiên cứu và triển khai thành công kỹ thuật mới điều trị nang thận đơn thuần không phẫu thuật. So với điều trị nang thận thông thường như hiện nay (mổ hở gây đau đớn, thời gian nằm viện dài, chi phí điều trị cao, tỉ lệ tái phát hơn 70%...), kỹ thuật mới có ưu điểm là ít xâm lấn, hạn chế đáng kể tỉ lệ tái phát (còn khoảng 5%-10%), các biến chứng nhiễm trùng, nguy cơ chảy máu và giảm chi phí điều trị (khoảng 2 triệu đồng/ca). Ngoài ra, thời gian thực hiện trung bình chỉ từ 20-25 phút, người bệnh được xuất viện ngay trong ngày. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết sau hàng chục ca được điều trị, Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát.

"Đốt" bướu cổ không để lại sẹo

Cũng tại Bệnh viện Đại học Y Dược, các bác sĩ đã triển khai một phương pháp điều trị bướu cổ mới mà không để lại sẹo. Theo BS Trần Thanh Vỹ, Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh bướu cổ, giáp nhân có cả lành tính và ác tính, trong đó trường hợp lành tính chiếm đa số, thường gặp ở nhóm bệnh nhân trẻ dưới 20 tuổi hoặc trên 45 tuổi. Nếu phát hiện sớm, ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch.

Thêm tin vui về phương pháp điều trị cho người bệnh

Kỹ thuật mới điều trị bệnh nang thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM

Nếu là bướu giáp lành tính, có thể điều trị nhẹ nhàng bằng cách dùng sóng cao tần (RFA) đốt tế bào u. Phương pháp này đã thay thế hơn 50% các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật kinh điển (phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi) mà thế giới đang áp dụng. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là điều trị , không để lại biến chứng nặng, bảo toàn chức năng tuyến giáp, người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện ngay trong vòng 1-2 giờ sau can thiệp, giảm chi phí nằm viện, không để lại sẹo...

Theo nguoilaodong

>>>Xem thêm: Lần đầu tiên đặt stent tĩnh mạch bằng một mũi kim châm

>>>Xem thêm: Sóng cao tần làm “biến mất” u bướu cổ mà không cần phẫu thuật

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!