Thời gian kiểm tra đường huyết và diễn giải kết quả

Cần biết - 11/28/2024

Người mắc đái tháo đường tuýp 1, 2, nếu duy trì mức đường huyết bình thường hoặc gần bình thường sẽ ít nguy cơ bị các biến chứng.

Nên kiểm tra ĐH khi nào?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời, chỉ biết rằng: 'Thử ĐH càng nhiều thì hiệu quả kiểm soát bệnh ĐTĐ càng cao'. Dĩ nhiên, bạn có thể thử ĐH bất cứ khi nào mà bạn muốn.

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, người ĐTĐ tuýp 1 và 2, nếu duy trì mức ĐH bình thường hoặc gần với bình thường sẽ ít có nguy cơ bị các biến chứng liên quan ĐTĐ hơn những bệnh nhân có mức ĐH cao.

Tần suất thử ĐH phụ thuộc vào: loại ĐTĐ (tuýp 1 hay 2), phương pháp điều trị (insulin, thuốc viên uống, hay thay đổi lối sống).

- ĐTĐ tuýp 1: thử máu thường xuyên là cách duy nhất để kiểm soát ĐH hiệu quả và an toàn. Phần lớn trường hợp, nên thử 4 lần/ngày.

- ĐTĐ tuýp 2: dựa vào các yếu tố cá nhân như phương pháp điều trị (thuốc viên, chế độ ăn, hoạt động thể lực, insulin), mức HbA1C, và mục tiêu điều trị. ĐTĐ mới chẩn đoán được kiểm soát bằng chế độ ăn và hoạt động thể lực: thử ĐH 2-3 tuần/lần. Nếu đang uống thuốc viên hạ đường: thử ĐH 8 - 10 ngày/lần. Bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1 và 2 đang dùng insulin, nên thử ĐH 3 ngày/lần. Phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai: thử ĐH 2 lần/ngày. Bệnh nhân dùng phác đồ insulin tăng cường hay insulin liên tục: thử tối thiểu 3-4 lần/ngày. Thử ĐH nửa đêm (2-3 giờ sáng): khi bệnh nhân bị hạ ĐH về đêm hoặc có hiện tượng tăng ĐH sáng sớm.

Thời gian kiểm tra đường huyết và diễn giải kết quả

Nếu duy trì mức đường huyết bình thường sẽ ít nguy cơ bị các biến chứng (Ảnh minh họa: Internet)

Diễn giải kết quả

Kết quả thử ĐH cho biết việc điều trị có đạt mục tiêu hay không. Kết quả này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ vận động, chế độ ăn, thuốc (insulin, thuốc viên), mắc bệnh khác đi kèm như: lao, viêm phổi... Khi diễn giải kết quả, quan trọng nhất là xem xét hết các yếu tố này.

Mục tiêu kiểm soát đường huyết:

Đường huyết lúc đói: 80 - 110 mg/dl.

Đường huyết sau ăn 2 giờ: 80 - 140 mg/dl.

HbAlc < 6,5%.

Không bị xảy ra cơn hạ đường huyết.

- Cần thử thêm nước tiểu khi: ĐH trên 250 mg/dl, đang giai đoạn bệnh như: sốt, chấn thương, stress… và khi có triệu chứng của nhiễm xê-tôn như: buồn nôn, nôn và đau bụng…

Mục đích của việc thử nước tiểu là để xem có nhiễm xê-tôn hay không. Nhiễm xê-tôn là biến chứng cấp tính nguy hiểm của ĐTĐ, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Mức độ chính xác của theo dõi ĐH tại nhà

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của việc theo dõi ĐH tại nhà: loại que thử, máy và thao tác.

Thỉnh thoảng nên đem máy đến kiểm tra song song với phòng xét nghiệm để đánh giá độ chính xác của máy.

Kết quả thường chênh lệch từ 10 - 15%, bởi vì phòng xét nghiệm sử dụng máu tĩnh mạch (máu huyết tương), còn máy thử ĐH thì sử dụng máu mao mạch (máu toàn phần). Chính vì thế mà kết quả thử bằng máy thường cao hơn thử ở phòng xét nghiệm. Nếu kết quả của máy không cao hơn 15% so với phòng xét nghiệm thì chấp nhận được. Nếu kết quả trên 15%, cần kiểm tra lại máy, que thử và cả thao tác của bạn.

>> Xem thêm: Chọn máy thử và cách đo đường huyết tại nhà

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!