Vi khuẩn lao lây từ người sang người qua đường không khí. Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng có thể nhiễm lao. Khoảng 1/3 dân số thế giới có lao tiềm tàng, có nghĩa là những người này đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa phát triển thành bệnh lao và cũng không gây lây lan bệnh lao sang người khác.
ThS. Đinh Văn Tài - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế, cho biết:
Khoảng 10% những người đã nhiễm vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển thành bệnh lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên ở những người có suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc tiểu đường, hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác.
Nếu xuất hiện dịch ở phổi thì việc đi khám kiểm tra tại cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi là cần thiết. Bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được, bên cạnh đó tràn dịch màng phổi còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Do vậy, bệnh nhân nên đi khám sớm và không nên lo lắng, căng thẳng quá mức. Việc điều trị bệnh lao cần triệt để, tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị để tránh vi khuẩn lao kháng thuốc, đồng thời đảm bảo lối sống tích cực, khoa học là biện pháp phòng tái phát hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!