Sét đánh là một dạng tai nạn thường gặp. Khoảng 30% nạn nhân sét đánh bị tử vong do tim ngừng đập. Nếu không tử vong, họ cũng bị các tổn thương vĩnh viễn ở não, điếc hay mù nếu chậm được phát hiện và cấp cứu tại chỗ.
Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế cho biết:
Sau khi bị sét đánh, việc chạm vào nạn nhân là an toàn. Cần đánh giá đáp ứng của nạn nhân ngay lập tức.
- Nếu nạn nhân tỉnh táo: kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như đầu, xem có chấn thương cột sống cổ, lưng không. Đánh giá mức độ bỏng, vệ sinh, băng sạch vết thương bỏng cho nạn nhân. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm.
- Nếu nạn nhân hôn mê: kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân xem có mạch không. Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngay lập tức tiến hành hồi sinh tim phổi (CRP). - Đặt nạn nhân nằm ngửa.
- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng - miệng: lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngậm kín miệng của nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực; xác định 1/3 dưới xương ức, đặt 2 tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3 - 5cm.
- Luân phiên thổi ngạt - ép tim như vậy với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ (có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ).
- Sau khi cấp cứu, sơ cứu nạn nhân, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!