Điều dễ thấy nhất trong văn hóa tiêu thụ đường tại Việt Nam là ngay cả sữa bò tiệt trùng cũng phải có đường. Việc dùng sữa tươi không đường thường không được ba mẹ, ông bà lựa chọn cho trẻ. Người lớn thường mua những lốc sữa tươi dạng nhỏ 180-250ml/hộp cho trẻ dùng và mua theo sở thích của con (thích uống đường) mà quên mất mình đang là người có vai trò định hướng thói quen ăn uống và lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho con!
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (Chuyên gia Khoa Nhi, Đại học Sydney, Australia), hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khuyến cáo về dinh dưỡng của Úc, trẻ em không cần đồ uống ngọt. Đường được cho thêm vào các thức uống, kể cả vào sữa tươi, sẽ cung cấp năng lượng dư thừa rất cao và không cung cấp được bất kì vi dưỡng chất hoặc các chất nào khác cần thiết cho tăng trưởng và phát triển của trẻ!
Bên cạnh đó, việc cung cấp năng lượng thêm từ đường có thể làm cho trẻ no và vì vậy, giảm thèm ăn, và không ăn tốt các loại thức ăn chính yếu. Điều này đặc biệt quan trọng ở những trẻ biếng ăn, và việc ngừng hoặc giảm đồ uống ngọt có thể giúp tăng thèm ăn, và giúp trẻ ăn uống tốt hơn! Đây là một điều các ba mẹ ông bà nên lưu ý, khi muốn cải thiện thói quen ăn uống của con em.
Một số ba mẹ, vì thấy con ăn kém, cố ép con uống sữa (và đa số là sữa có đường) để giúp con 'bù' đủ năng lượng, mà quên mất rằng, việc làm này sẽ càng làm vấn đề biếng ăn của trẻ trầm trọng hơn. Trẻ khi tiêu thụ nhiều đường sẽ có thể có xu hướng thích ăn những thức ăn khác có nhiều đường và nhiều carbohydrate khác, như bánh ngọt, kem, kẹo…, và vì vậy, càng làm cho chế độ ăn của trẻ trở nên không cân bằng.
Một số ba mẹ thấy con ăn kém, ép con uống sữa (đa số là sữa có đường) để giúp con 'bù' đủ năng lượng, mà quên rằng, việc làm này càng làm vấn đề biếng ăn của trẻ trầm trọng
Một điều cần lưu ý khác, đường trong nước ngọt có thể gây tiêu chảy hoặc tiêu lỏng ở trẻ nhỏ, và vì vậy, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ, do trẻ bị mất năng lượng và các dưỡng chất cần thiết. Đối với các trẻ em này, khi không cho uống nước ngọt nữa, hoạt động đường ruột của trẻ có thể được cải thiện rất rõ rệt.
Nước trái cây, mà các ba mẹ ông bà nghĩ là 'tự nhiên' và tốt cho trẻ, thật ra cũng không được khuyến khích sử dụng. Lý do vì, nước trái cây vẫn là thức uống nhiều năng lượng và nồng độ đường cao tương đương với nước ngọt. Việc cho uống nước ép trái cây, nếu muốn, chỉ nên giới hạn tối đa 100 ml/ngày.
Các trung tâm y tế lớn khuyến cáo ủng hộ việc cho trẻ ăn trái cây thô hơn, vì tránh được việc cung cấp năng lượng không cần thiết. Ngoài ra, ăn trái cây thô còn giúp trẻ tiêu thụ được các chất xơ, giúp trẻ tập nhai, tập làm quen với hình dạng, độ mềm cứng của thức ăn, đồng thời giúp trẻ không ăn quá nhiều, tránh tình trạng thừa cân ở trẻ.
Năm 2015, Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đưa ra một hướng dẫn thống nhất về việc tiêu thụ đường ở người lớn và trẻ nhỏ. Khi tổng quan các báo cáo và nghiên cứu hiện có, người ta thấy rằng, việc tiêu thụ đường tự do (đường thêm vào thức ăn, thức uống) có liên quan trực tiếp đến nguy cơ dư cân, béo phì, và sâu răng ở cả người lớn lẫn trẻ em. Vì có liên quan đến dư cân, béo phì, tiêu thụ đường tự do có thể dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và các bệnh lý tim mạch. Nên nhớ sâu răng cũng có thể gây ảnh hưởng đến phát triển răng hàm mặt ở trẻ nhỏ lâu dài.
Thành phần đường trong một số loại đồ uống phổ biến
WHO khuyến cáo nên giảm tiêu thụ đường tự do ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu được, nên giảm tiêu thụ đường tự do dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể một ngày. Và tốt nhất, nên giảm tiêu thụ đường tự do xuống khoảng dưới 25gram/ngày.
Một số nghiên cứu quan sát còn cho thấy, việc tiêu thụ lượng đường cao (75-100mg đường) có thể làm giảm hoạt động miễn dịch của cơ thể, và giảm khả năng giết vi trùng của tế bào bạch cầu của con người trong vài giờ.
Ngoài ra, lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến hành vi, khả năng tập trung và học hỏi của trẻ em. Những nghiên cứu này vẫn chưa có kết luận xác đáng và không mang tính khẳng định, nhưng cũng là một khía cạnh chúng ta nên ghi nhận…
Bây giờ, đã đến lúc các mẹ nên đọc lại thông tin dinh dưỡng của tất cả các loại nước uống có vị ngọt, kể cả sữa mà con mình tiêu thụ (thường đường sẽ được biểu hiện bằng carbohydrate hoặc Hydrate Carbon. Và nên nhớ, trẻ em KHÔNG CẦN UỐNG NƯỚC NGỌT.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!