Thú rừng tấn công: Chiến đấu hay là chết

Cần biết - 05/12/2024

Khi phải đối mặt với thú dữ, bạn phải có quyết định khôn ngoan mới có thể giữ mạng sống khỏi bị con thú tấn công.

Rừng núi luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Nhất là khi thú dữ có thể tấn công con người bất cứ lúc nào.

Mất mạng vì bất ngờ bị thú rừng tấn công

Ngày 15/11, cậu bé Trần Văn Đại, học lớp 9, (Khánh Vĩnh-Khánh Hòa) đã chết do bị một con heo rừng húc. Thi thể của em được tìm thấy dưới ao với rất nhiều vết cắn và vết đâm, phần đùi bị dập nát, mất máu nhiều dẫn đến tử vong. Cùng ngày, bà Trương Thị Cảnh, cùng làng với Đại cũng bị con thú hung dữ này tấn công bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Thú rừng tấn công: Chiến đấu hay là chết

Bà Cảnh đang được cấp cứu trong bệnh viện sau khi bị heo rừng tấn công (Ảnh: Zing)

Cuối tháng 10 vừa rồi, chị Phạm Thị Hạnh, 39 tuổi (Phổ Hòa-Phổ Đức-Quảng Ngãi) bị một con heo rừng to khoảng 100 kg tấn công đến mất mạng trong lúc đang cắt cỏ. Chị Hạnh bị con thú cắn khắp người và húc thủng phổi.

Cuối tháng 9/2010, 4 người đàn ông ở Châu Hồng, Quỳ Hợp, Nghệ An vào rừng kiếm lâm thổ sản. Lúc đang nghỉ ngơi ăn uống buổi tối thì một người bất ngờ bị thú rừng tấn công 2 vết sau lưng. May mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời nên người này không bị nguy hiểm tới tính mạng. Vết thương được xác định là vết cào của một con hổ dữ người dân đã nhiều lần thấy nó trong khu vực này.

Ở vùng núi, người dân thường phải đối mặt với nguy cơ bị thú rừng tấn công bất cứ khi nào khi làm nương rẫy, thậm chí ở ngay trong nhà. Thú dữ dù đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng nhưng nó vẫn có thể trở thành mối đe dọa đến tính mạng của con người. Thường thì chúng không chủ động tấn công trừ khi bị khiêu khích, hoặc quá đói. Nếu không may phải đối diện với thú dữ, cần phải làm gì để bảo vệ sự sống của mình?

Mỗi cử chỉ là một hành động sống còn

Tâm lý chung của nhiều người khi bị thú dữ tấn công là hoảng loạn, bỏ chạy. Nhưng như thế sẽ khiến con thú tưởng là con mồi và chúng sẽ săn đuổi cho bằng được. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể là biện pháp sống còn của bạn.

Thú rừng tấn công: Chiến đấu hay là chết

Thú rừng có thể tấn công con người bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa: Internet)

Khi nhìn thấy thú dữ, đầu tiên là hãy đứng yên, đừng cử động. Sau đó để ý xung quanh xem có cây cao nào thì nhanh chóng trèo lên càng cao càng tốt.

Nếu không, hãy tìm một cây gậy, củi to để làm vũ khí chiến đấu với nó. Phải tỏ ra hung dữ hơn con thú để chúng cảm thấy sợ. Gào thét hoặc một cái chuông kêu lớn cũng có thể đe dọa chúng. Hãy nhớ, nếu bạn chỉ có thể làm chúng bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng thì chỉ nên dừng ở mức đứng xa xua đuổi. Bởi nếu không, khi con thú bị thương chúng sẽ tấn công dữ dội hơn và bạn sẽ càng nguy hiểm hơn.

Nếu chỉ có phương án lựa chọn là sống hoặc chết thì hãy nhằm vào mắt, tim, yết hầu thú dữ và đâm, đánh một phát thật mạnh. Nếu có vật nhọn là tốt nhất. Có thể bạn sẽ bị thương nhưng còn hơn để nó tấn công thì sẽ phải chết.

Thú rừng cũng rất sợ lửa, nên nếu bạn đang nhóm bếp thì hãy dùng que củi lửa và xua đuổi chúng.

Đề phòng thú dữ tấn công

Nếu đi cắm trại, dã ngoại, hãy tìm hiểu kỹ khu vực đó có cảnh báo thú dữ hay không. Hạn chế tối đa việc ở lại trong rừng qua đêm.

Thú rừng dễ bị thu hút bởi tiếng động hoặc mùi thức ăn. Vì thế, không nên gây ồn ào trong rừng và cũng không nên nấu ăn.

Thú rừng tấn công: Chiến đấu hay là chết

Cắm trại trong rừng nên để lửa cháy suốt đêm (Ảnh: Internet)

Hãy để lửa cháy qua đêm để con thú không tấn công bất ngờ khi bạn đang ngủ. Nhưng cần lưu ý an toàn, không để lửa có thể cháy lan ra gây cháy rừng.

Đừng để cơ thể dính mùi thức ăn nếu không bạn sẽ trở thành con mồi của thú rừng.

Giữ khu lều trại sạch sẽ, không vương vãi thức ăn và dụng cụ nấu ăn.

Tuyệt đối không được săn thú làm thức ăn. Nếu không bạn có thể sẽ phải đối mặt với sự trả thù của đồng loại chúng. Hoặc những con thú khác sẽ coi bạn là kẻ đối địch tranh giành thức ăn trong khu vực.

Nên mặc quần áo tối màu để không hấp dẫn thú rừng. Nếu gặp thì không được trêu ghẹo chúng hoặc vội vàng bỏ chạy. Tốt nhất là coi như không nhìn thấy.

Nếu thấy có dấu vết của thú dữ như vết chân, con thú nhỏ bị thương do con thú khác tấn công… thì nên rời khỏi khu vực đó càng sớm càng tốt.

Khi đi rừng, nên chuẩn bị gậy chắc, vật nhọn, một chiếc chuông hoặc vật phát ra âm thanh lớn, bình xịt hơi cay, dao... Bông gạc, thuốc sát trùng, nước muối cũng cần thiết phòng khi bị tấn công bất ngờ thì phải sơ cứu.

Môi trường sống bị đe dọa, thu hẹp sẽ khiến các loài thú rừng hung dữ hơn. Vì vậy, không chỉ là sự sống của các loài thú quý hiếm, bảo vệ rừng, không giết động vật hoang dã còn là bảo vệ sự sống của chính con người.

>> Xem thêm: Heo rừng tấn công: 1 người chết, 1 người bị thương

NT

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!