Thức ăn nhanh tác động đến cơ thể ra sao (Phần 1)

Dinh dưỡng - 04/27/2024

Thức ăn nhanh thường chứa quá nhiều calo và quá ít chất dinh dưỡng. Vậy bạn có biết tác động của thức ăn nhanh đối với cơ thể hay không?

Thức ăn nhanh thường chứa quá nhiều calo và quá ít chất dinh dưỡng. Nếu thức ăn nhanh trở thành một phần quen thuộc trong chế độ ăn uống của bạn, bạn có thể thấy mình đang phải vật lộn với các vấn đề cân nặng và sức khỏe bởi những tác động của nó.

Thức ăn nhanh tương đối rẻ mà lại ngon. Tuy nhiên, nó đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe về mặt thể chất lâu dài. Các bữa ăn giàu calo này chứa nhiều chất béo, cholesterol, muối, đường và do đó chứa ít vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng hơn so với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Tác động của thức ăn nhanh đối với cơ thể

1. Quá nhiều calo

Thức ăn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc cũng như sức khỏe tổng thể của bạn. Thức ăn nhanh không hoàn toàn có hại nhưng trong nhiều trường hợp, nó được chế biến và chứa một lượng lớn carbohydrate, đường phụ gia, chất béo không lành mạnh và muối (natri). Những thực phẩm này thường có lượng calo cao, nhưng lại có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Khi bạn thường xuyên thay thế các thực phẩm bổ dưỡng trong chế độ ăn uống của bạn bằng thức ăn nhanh, nó có thể dẫn đến tình trạng dinh dưỡng nghèo nàn, sức khỏe kém và tăng cân.

2. Kháng insulin và lượng đường trong máu tăng vọt

Nhiều loại thức ăn nhanh và đồ uống mang các carbohydrate chứa nhiều calo trong đó. Hệ tiêu hóa chuyển hóa các carbohydrate thành đường (glucose), sau đó đưa đường vào trong mạch máu của bạn. Tụy sẽ phản ứng lại bằng cách thải ra insulin, điều này cần thiết để vận chuyển đường vào tế bào khắp cơ thể. Khi đường được hấp thu, lượng đường trong máu giảm. Khi lượng đường trong máu thấp, tuyến tụy sẽ giải phóng một loại hormone khác gọi là glucagon. Glucagon yêu cầu gan bắt đầu sử dụng đường được lưu trữ trong cơ thể.

Khi mọi cơ quan trong cơ thể hoạt động đồng bộ, lượng đường trong máu nằm ở trong phạm vi bình thường. Khi bạn ăn nhiều carbohydrate, lượng đường trong máu sẽ tăng vọt và điều này có thể làm thay đổi phản ứng insulin thông thường. Lượng đường trong máu tăng vọt thường xuyên có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến sự kháng insulin và bệnh đái tháo đường tuýp 2.

3. Lượng cholesterol cao

Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được sản xuất mà không có nhiều giá trị dinh dưỡng bổ sung. Chúng được xem là chất không lành mạnh và còn bị cấm sử dụng tại một số quốc gia. Chất béo chuyển hóa thường được tìm thấy trong thức ăn nhanh. Chúng là nguyên nhân làm tăng mức cholesterol LDL – một loại cholesterol không tốt. Chúng cũng có thể làm giảm cholesterol HDL – cholesterol tốt cho cơ thể. Chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

4. Phù nề và tim mạch

Việc cung cấp quá nhiều muối làm cơ thể bạn giữ nước, khiến bạn cảm thấy mình bị phù nề. Natri cũng góp phần làm tăng huyết áp hoặc làm rộng cơ tim. Nếu bạn bị suy tim sung huyết, xơ gan hoặc bệnh thận, việc cơ thể chứa quá nhiều muối góp phần gây nên sự tích tụ của chất lưu nguy hiểm. Nồng độ natri dư thừa cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận, bệnh thận và ung thư dạ dày. Lượng cholesterol cao và huyết áp cao là một trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu liên quan đến bệnh tim và đột quỵ.

5. Vấn đề về cân nặng

Đường phụ gia không có giá trị dinh dưỡng nhưng có lượng calo cao. Tất cả lượng calo vượt mức đó sẽ gây nên việc thừa cân, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh tim.

Thức ăn nhanh chứa đầy chất béo và calo. Nếu bạn ăn quá nhiều thức ăn nhanh thì chúng sẽ có tác động tiêu cực đến cân nặng đấy. Hamburger với nhiều thịt bò viên, phô mai, thịt xông khói và mayonnaise có thể vượt quá giới hạn chất béo 65 mg do USDA đề xuất cho cả ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), định nghĩa về béo phì là khi chỉ số cơ thể (BMI) của bạn là 30 hoặc cao hơn. BMI là chỉ số khối của cơ thể được đo lường bằng một phép tính về chiều cao và cân nặng. Nhiều yếu tố có khả năng gây nên dịch béo phì, nhưng mối liên hệ giữa thức ăn nhanh giá rẻ và việc tăng cân trên toàn quốc là có thực. Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận, đái tháo đường, các vấn đề về khớp và còn nhiều vấn đề hơn nữa.

Vẫn còn những tác động xấu khác của thức ăn nhanh đối với cơ thể sẽ được giới thiệu cho bạn trong phần 2 ngay sau đây.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Mẹo để hạn chế tác hại của thức ăn nhanh
  • Thực hư về thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ trầm cảm
  • Làm thế nào để có thể tự tính chỉ số BMI?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!