Thực hư việc ăn gạo trắng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Việc ăn gạo trắng chỉ là một trong số các nguy cơ có thể liên quan đến đái tháo đường khi ăn quá nhiều kèm theo lười vận động.

Gần đây có một số bài báo đưa tin về việc ăn gạo trắng là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2, trong khi gạo là thực phẩm phổ biến, gần như không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của từng gia đình.

Vậy cần phải hiểu như thế nào về khả năng gây đái tháo đường của gạo trắng.

Thực hư việc ăn gạo trắng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Gạo trắng không phải là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường. (Ảnh minh họa: Internet)

Trước hết bệnh đái tháo đường là bệnh được đặc trưng bởi việc tăng cao hàm lượng đường trong máu (đường huyết). Bệnh có hai thể chủ yếu là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Cơ chế sinh bệnh của đái tháo đường type 1 đã được xác định là do các tế bào tiết insulin của tuyến tụy nội tiết bị mất gần như hoàn toàn dẫn tới việc không còn insulin trong máu của bệnh nhân. Insulin lại là hormone có tác dụng giúp cho các phân tử đường trong máu được vận chuyển vào tế bào.

Vì vậy với người đái tháo đường type 1 phương pháp điều trị là tiêm insulin vào máu để bù vào lượng insulin bị thiếu hụt.

Tuy nhiên cơ chế sinh bệnh đái tháo đường type 2 là gì thì lại hoàn toàn không rõ. Hiện nay người ta chỉ mới biết rằng quá trình dẫn tới bệnh đái tháo đường type 2 diễn ra tương đối lâu dài và thầm lặng.

Thoạt tiên, các tế bào trong cơ thể người bệnh bị rối loạn, giảm khả năng thu nhận các phân tử đường làm cho tuyến tụy nội tiết phải làm việc mạnh hơn, tiết ra nhiều insulin hơn để giúp cho các phân tử đường thâm nhập vào tế bào. Cố gắng nhiều và kéo dài lại làm cho các tế bào tụy mệt mỏi, suy sụp và mất chức năng.

Tế bào tụy suy sụp trong khi các tế bào khác tiếp tục giảm nhạy cảm với insulin làm cho đường không thể nhập vào tế bào và vì vậy tăng cao trong máu.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2 trong đó đáng chú ý là chế độ ăn nhiều năng lượng (nhiều lipid, ăn nhiều đồ ngọt, quá nhiều thịt, nhiều tinh bột như gạo, bánh mì, ngô ngọt), lười vận động, béo phì, cao huyết áp… Như vậy việc ăn gạo trắng chỉ là một trong số các nguy cơ có thể liên quan đến đái tháo đường khi ăn quá nhiều kèm theo lười vận động.

Thế nhưng căn cứ vào đâu các bài báo gần đây đưa tin gạo trắng là nguyên nhân gây đái tháo đường?

Thực chất nguồn tin của các bài báo này đều xuất phát từ kết quả của một nghiên cứu ở trường đại học Havard do các nhà thống kê học tiến hành. Phương pháp nghiên cứu của nhóm này chỉ đơn giản là thống kê kết quả nghiên cứu của một số nhóm nghiên cứu khác rồi xử lý bằng các thuật toán để tìm mối liên quan giữa ăn gạo trắng và tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường.

Mối liên quan được tìm thấy ở đây là ở một số quần thể dân số, càng ăn nhiều gạo trắng thì tỉ lệ mắc đái tháo đường càng cao. Bản thân nhóm nghiên cứu cũng không khẳng định gạo trắng là nguyên nhân gây đái tháo đường mà chỉ mới dám nói ăn gạo trắng có thể là nguy cơ (risk) gây nên bệnh đái tháo đường.

Việc tìm ra mối liên quan như vậy hoàn toàn không thể khẳng định được gạo trắng là nguyên nhân của bệnh đái tháo đường.

Ví dụ về mối liên quan mà không phải là nguyên nhân và hậu quả có rất nhiều chẳng hạn: Những năm gần đây tỉ lệ người mắc đái tháo đường tăng khá nhanh tại Việt Nam, đồng thời số trẻ nạo phá thai cũng tăng nhanh.

Nếu làm một nghiên cứu thống kê về tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường và tỉ lệ trẻ nạo phá thai trong những năm gần đây thì chúng ta sẽ có kết luận là đái tháo đường có liên quan đến số ca nạo phá thai của trẻ thậm chí là liên quan rất chặt chẽ vì cùng tăng nhanh.

Tuy nhiên nếu kết luận đái tháo đường là nguyên nhân gây nạo phá thai ở trẻ hay nạo phá thai ở trẻ là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường ở Việt Nam thì chắc tất cả các bạn đọc đều bịt mũi mà cười.

Thế còn nguy cơ thì sao?

Quá trình gây nên bệnh đái tháo đường có liên quan đến việc mất cân đối giữa lượng năng lượng hấp thu vào cơ thể và lượng năng lượng tiêu thụ của cơ thể. Gạo trắng (4 calories/1g) lại là thực phẩm có chỉ số năng lượng cao, thậm chí cao hơn so với bánh mì Pháp (3 calories/1g).

Do vậy nếu ăn gạo trắng nhiều thì nguy cơ sẽ thừa năng lượng nhiều. Thừa nhiều năng lượng thì sẽ có nguy cơ bị mắc đái tháo đường nếu không chịu vận động để tiêu bớt năng lượng. Điều đó cũng giải đáp thắc mắc cho rằng những người ở nông thôn hoặc công nhân rõ ràng ăn nhiều gạo trắng hơn hẳn so với người sống ở thành thị, làm công chức mà lại có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ít hơn.

Tóm lại:

Việc các báo đưa tin ăn gạo trắng là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường là không chính xác. Ăn gạo trắng chỉ có thể là nguy cơ gây nên bệnh đái tháo đường khi kèm theo lười vận động để tiêu thụ bớt lượng năng lượng đã ăn vào. Người bình thường, khỏe mạnh, có chế độ ăn uống và vận động, thể dục thể thao hợp lý thì không có lý do gì phải sợ và kiêng gạo trắng.

Chế độ ăn uống hợp lý phối hợp với thể dục thể thao giúp bạn tránh được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và một số bệnh khác.

TS, BS Nguyễn Khánh Hoà

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!